Bạc LiêuChị Lưu Kiều Diễm, 31 tuổi, bỏ công việc ở thành phố để cùng chồng là anh Bùi Quốc Dương vào rừng đước khởi nghiệp dự án du lịch xanh.
Nông trại sản xuất kết hợp làm du lịch tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình của vợ chồng 9X là địa điểm lý tưởng đối với những du khách ham khám phá, trải nghiệm. Đây cũng là hoài bão mà anh Dương, 32 tuổi, cùng vợ ấp ủ và gây dựng nhiều năm qua.
Chín năm trước, khi chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp ngành Công nghệ hóa học tại trường Đại học Cần Thơ, anh Dương nhận ra rằng bản thân không hứng thú với chuyên ngành này. Trong đầu anh thời điểm đó đầy ắp những dự án phát triển kinh tế nông nghiệp và dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những mô hình hay, cách làm sáng tạo làm tăng giá trị nông sản.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định bỏ ngang việc học để về quê ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang lập nghiệp. Anh bắt tay vào cải tạo mô hình tôm lúa của gia đình theo hướng sản xuất sạch, bán sản phẩm an toàn. Từ đây đã giúp cho thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể.
Không dừng lại ở đó, chàng trai trẻ ấp ủ ý định làm du lịch sinh thái bằng mô hình hiện có, nhưng đã bị gia đình ngăn cản vì quá mới mẻ. Dương quyết định rời nhà để tìm vùng đất mới phát triển ý tưởng làm du lịch xanh. May mắn lớn nhất của anh là sự đồng hành của chị Diễm (lúc này là người yêu). Khi đó chị đang có công việc thu nhập tốt và ổn định của TP Vị Thanh (Hậu Giang), song chấn nhận nghỉ việc để tới Bạc Liêu khởi nghiệp.
Hành trang của họ là hơn 100 triệu đồng vay mượn từ bạn bè, người thân và nhiệt huyết tuổi trẻ. Nhờ một người quen giới thiệu, vợ chồng anh Dương thuê một mảnh đất hơn bốn ha tại xã Vĩnh Hậu A với giá 60 triệu đồng mỗi năm để nuôi tôm, cua và xây dựng mô hình du lịch. Hai người nhường luôn căn nhà hơn 15 m2 có sẵn cho khách nghỉ, rồi ra ở tạm tại căn chòi chưa tròn 4 m2.
“Nhiều người nói vợ chồng tôi bị khùng khi bỏ phố về nơi heo hút, nhưng chúng tôi luôn tin mình đúng”, anh Dương nói.
Sau hơn ba năm canh tác, vợ chồng anh quyết định chuyển sang một khu đất khác có rừng với diện tích hơn ba ha để xây dựng mô hình hoàn thiện hơn. Tại đây, ý tưởng làm du lịch khai thác lợi thế rừng đước làm bóng mát, dưới mặt nước nuôi cá, tôm để du khách trải nghiệm đã được định hình rõ hơn.
Do ít vốn, anh Dương mất hàng tháng trời tự đóng những chiếc bè nổi, bàn ghế phục vụ khách. Dưới vuông anh chị nuôi tôm, cá, cua theo hướng hữu cơ tự nhiên, không sử dụng thuốc hóa học. Chị Diễm chủ động xây dựng kênh bán hải sản trên mạng để kiếm thu nhập và quảng bá sản phẩm du lịch. Một năm sau, đôi vợ chồng trẻ đã đón những vị khách đầu tiên với những lời khen về dịch vụ.
Thế nhưng khi lượng khách dần ổn định, chủ vườn lại muốn lấy lại đất cho thuê. Một lần nữa, vợ chồng anh phải gây dựng lại từ đầu ở một vị trí mới. Lần này, anh chị đã mở rộng diện tích khu lên 6 ha cách chỗ cũ chừng một km. Anh Dương xây dựng khu du lịch sinh thái dưới tán rừng, đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm. Nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm cho du khách.
Dẫu đã có trong tay địa chỉ du lịch được nhiều người biết tới, anh Dương vẫn luôn trăn trở làm sao giữ chân du khách. Anh nhận thấy tại Bạc Liêu chưa có nhiều khu nghỉ dưỡng nên quyết định tìm thuê một khu đất mới để xây dựng điểm du lịch kết hợp homestay. “Tôi muốn khách không chỉ đến trải nghiệm vài tiếng rồi đi mà còn ở lại như một nơi nghỉ ngơi lý tưởng”, anh Dương nói và cho biết đến nay đã đầu tư hơn 700 triệu đồng vào dự án.
Tại vị trí mới rộng hơn 3 ha, vợ chồng anh Dương vẫn tự tay làm hết mọi việc để tiết kiệm chi phí, điều chỉnh theo ý mình. Anh miêu tả, khu du lịch mới sẽ tái hiện lại cuộc sống nông thôn thuần túy, những căn nhà nghỉ cặp vuông tôm, khách có thể câu cá, cắm trại. Đất trống được anh cải tạo để trồng rau màu, cây ăn trái. Chị Diễm sẽ vào bếp chế biến những món ăn dân dã từ đặc sản tôm, cua được nuôi tự nhiên.
An Minh