Đồng thời, Sở GD-ĐT khẳng định tổ chức và giám sát chặt khâu coi thi để đảm bảo công bằng trong kỳ thi có mức độ cạnh tranh khốc liệt này.
NHỮNG VẬT TUYỆT ĐỐI KHÔNG MANG VÀO PHÒNG THI
Với việc chọn ra gần 60% số học sinh (HS) trong tổng số HS tốt nghiệp THCS để tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, đây là kỳ thi có tính cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các em phải thận trọng trong từng phần việc. Vì vậy, ngoài ôn tập tốt, việc ghi nhớ những quy định liên quan là điều không thể bỏ qua để tránh trượt oan.
Ghi nhớ đầu tiên là thí sinh (TS) phải làm đủ 3 bài thi (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) để được xét tuyển vào lớp 10 trường công lập. Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ xét tuyển đối với những TS đáp ứng đủ 3 yêu cầu: làm đủ số bài thi quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0.
Ghi nhớ thứ hai mỗi buổi thi là TS phải có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định và cần lưu ý, nếu đến muộn quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì sẽ không được dự thi buổi đó.
Đây là năm đầu tiên áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 quy chế sửa đổi, bổ sung một số điều thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, trong đó có sự thay đổi về danh sách vật dụng được mang vào phòng thi. TS lưu ý chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, atlat địa lý VN đối với môn thi địa lý. Khi vào thi, TS chỉ được sử dụng giấy thi, giấy nháp do cán bộ coi thi phát trong phòng thi nên không cần đem theo giấy nháp. TS cũng không được phép sử dụng bút có màu mực đỏ trong bất kỳ tình huống nào, bởi việc này sẽ bị coi là đánh dấu bài thi.
Sở GD-ĐT đề nghị phụ huynh cần đặc biệt lưu ý nhắc nhở con không mang điện thoại di động vào phòng thi, bởi nếu mang theo các vật dụng không được phép (dù vô tình hay cố ý), TS sẽ bị đình chỉ thi, đồng nghĩa với việc bị điểm 0, mất quyền lợi dự tuyển vào trường công lập
“Vật bất ly thân” mà TS phải luôn mang theo khi đến trường thi là phiếu báo thi vào lớp 10 THPT năm học 2023 – 2024. Trong trường hợp quên phiếu báo thi, TS có thể sử dụng các giấy tờ tùy thân (như thẻ căn cước công dân) để được vào thi.
CAM KẾT KHÔNG CẮT ĐIỆN CÁC ĐIỂM THI
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, thông tin: Hà Nội là địa phương có số lượng TS đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 lớn nhất cả nước với hơn 116.000 lượt TS đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập không chuyên và lớp 10 chuyên của các trường THPT.
Toàn TP có khoảng 20.000 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi. Ngoài ra còn có 590 cán bộ giám sát tại các điểm thi và hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực thi. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, các điểm thi đều tăng cường tối đa các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho TS. Ngành điện cam kết bảo đảm không cắt điện tại các điểm thi, song 201 điểm thi đều có máy phát điện dự phòng.
Để bảo đảm khách quan, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi phân công cán bộ coi thi theo nguyên tắc, mỗi phòng thi bố trí hai cán bộ coi thi ở hai trường khác nhau; một cán bộ coi thi không coi thi quá một lần tại một phòng thi. Bên cạnh đó, toàn TP có 590 cán bộ giám sát.
CHA MẸ CẦN ĐỘNG VIÊN CON DÙ LÀM BÀI TỐT HAY KHÔNG
Nhiều nhà giáo cũng chia sẻ sau mỗi buổi thi, TS cần dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để bước vào môn thi tiếp theo với tâm lý tốt nhất, tránh bị tác động tiêu cực (nếu có) của buổi thi trước. Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Q.Đống Đa), cho rằng các bậc phụ huynh cần động viên con tự tin, không đặt nặng vấn đề về điểm, đỗ, trượt cho con mình. Đặc biệt không xem đáp án các môn sau mỗi buổi thi và yêu cầu con đối chiếu. Gia đình HS cũng cần lưu ý tránh tình huống con ngủ quên muộn giờ thi buổi chiều. Sau kỳ thi, theo ông Cường, cha mẹ cũng có vai trò quan trọng trong việc ổn định tâm lý cho con, dù con làm bài tốt hay không tốt. Trong trường hợp con không đạt nguyện vọng, hãy tìm kiếm một ngôi trường ngoài công lập để con tiếp tục học tập và động viên con nỗ lực trong hành trình mới.
Sẵn sàng bước vào kỳ thi
Hôm qua (9.6), TS dự thi lớp 10 tại Hà Nội có mặt ở các điểm thi để làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự tuyển (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.
Theo ghi nhận của Thanh Niên tại một số điểm thi, TS và phụ huynh có mặt từ rất sớm để làm thủ tục dự thi, nghe phổ biến quy chế thi với đủ sắc thái cảm xúc, tự tin nhưng không tránh khỏi hồi hộp, lo âu. Nhiều TS khẳng định đã sẵn sàng để bước vào kỳ thi này, đồng thời cũng chuẩn bị tâm thế tốt nhất để đón nhận kết quả thi.
Vũ Đức Hoàng Long, một TS tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Sợ tắc đường nên em có mặt tại điểm thi từ sớm để tránh bỏ lỡ thông tin quan trọng. Mặc dù cũng khá tự tin khi mình đã chuẩn bị sẵn sàng từ kiến thức, tâm lý nhưng trước một kỳ thi lớn em vẫn cảm thấy khá hồi hộp”. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại tỏ ra lo lắng đến “mất ăn mất ngủ”.
Vào trưa cùng ngày, nhiều TS và phụ huynh đã cùng nhau tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám thắp hương, cầu thi cử gặp may mắn.
Quỳnh Vân
Chậm nhất ngày 4.7 công bố điểm thi Theo hướng dẫn của Sở
GD-ĐT Hà Nội, có những mốc thời gian TS cần đặc biệt lưu ý sau khi dự thi vào lớp 10 năm nay.
Cụ thể, chậm nhất ngày 4.7 công bố điểm thi.
Từ ngày 5 – 11.7: TS nộp đơn phúc khảo (nếu có).
Từ ngày 7 – 9.7: trả hồ sơ và giấy báo kết quả thi vào lớp 10 cho TS.
Ngày 8 – 9.7: công bố điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập chuyên và không chuyên.
Từ 13 giờ 30 ngày 10.7 đến hết ngày 12.7: TS xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp.