13:36, 09/06/2023
Vụ vỡ đập Kakhovka thuộc tỉnh Kherson đã gây ra một trận lũ lụt lớn ở miền Nam Ukraine, đe dọa cuốn trôi các ngôi làng và ngăn hy vọng của các lực lượng Ukraine tiến quân qua sông Dnieper.
Nga và Ukraine đã cáo buộc nhau cố ý phá hủy con đập này. Trong khi đó, các chuyên gia đang đánh giá về thiệt hại với môi trường và nhà chức trách của cả hai bên đang nỗ lực nỗ lực đưa hàng nghìn người dân đi sơ tán. Hiện một câu hỏi lớn đặt ra là vụ vỡ đập Kakhovka sẽ tác động ra sao đến cuộc xung đột Nga – Ukraine và ảnh hưởng như thế nào đến các bên liên quan?
Tác động đối với Nga
Khi đập Kakhovka bị vỡ, Ukraine ngay lập tức cho rằng các lực lượng Nga – hiện đang kiểm soát con đập và khu vực xung quanh phải chịu trách nhiệm. Vụ việc xảy ra chưa đầy 48 tiếng sau khi Moscow thông báo Ukraine chính thức tiến hành cuộc phản công đã lên kế hoạch từ lâu. Các quan chức Kiev cho rằng, thời điểm này có thể không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Kherson từ lâu đã được coi là mục tiêu tiềm năng đối với cuộc phản công của Ukraine. Nga kiểm soát Kherson từ năm 2022, không lâu sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Sau đó Nga đã rút lui khỏi thành phố Kherson và thiết lập phòng thủ bên bờ đông sông Dnieper, trong khi Ukraine kiểm soát khu vực ở bờ tây con sông. Sông Dnieper, nơi đập Kakhovka nằm vắt ngang, hiện đóng vai trò như một ranh giới tự nhiên chia cắt các vùng do Nga và Ukraine kiểm soát.
Ukraine trước đây nhiều lần cảnh báo rằng Nga có thể đang lên kế hoạch cho nổ tung con đập, trong khi Moscow cũng đưa ra cảnh báo tương tự về Ukraine. Christopher Tuck, một chuyên gia về xung đột và an ninh tại Đại học King’s College London, cho rằng: “Vụ vỡ đập có thể mang lại lợi thế cho Nga vì Moscow đang ở thế phòng thủ chiến lược còn Ukraine đang ở thế tấn công. Kiev chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn băng qua con sông do nước lũ dâng cao”.
Sự gia tăng cường độ các cuộc tấn công của Ukraine trên chiến tuyến trong tuần này có thể là dấu hiệu cho thấy Ukraine đã bắt đầu phản công, nhưng quy mô của chiến trường đang dẫn thu hẹp lại. Theo giới phân tích, điều này có thể có lợi cho Nga.
Khu vực đập Nova Kakhovka bị vỡ ở vùng Kherson, miền nam Ukraine, hôm 6/6. Ảnh: Reuters |
Ông Michael A. Horowitz, nhà phân tích địa chính trị và an ninh – người đứng đầu bộ phận tình báo của công ty tư vấn Le Beck nhận định: “Đập Kakhovka bị vỡ sẽ khiến nỗ lực vượt sông của Ukraine gặp trở ngại đáng kể, thậm chí không thực hiện được. Quan trọng hơn, điều đó sẽ làm giảm diện tích chiến tuyến mà quân đội Nga cần phải bảo vệ sau các cuộc giao tranh dữ dội trong mùa Đông làm tiêu hao cả nhân lực và vật lực của cả 2 bên”.
Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cáo buộc Nga làm nổ tung con đập với mục tiêu “tạo chướng ngại cho các hoạt động tấn công của Kiev”. Theo một số quan chức phương Tây, chính phủ Mỹ có nguồn tin tình báo thiên về khả năng Nga đứng sau vụ tấn công đập Kakhovka.
Tác động đối với Ukraine
Về phần mình, Nga bác bỏ mọi cáo buộc mà Ukraine và phương Tây đưa ra, đồng thời tố Kiev phá hủy con đập để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc phản công lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng Kiev có thể lợi dụng vụ vỡ đập để chuyển các đơn vị của họ từ tiền tuyến Kherson đến những nơi cần thiết hơn.
Một số blogger quân sự Nga cho rằng vụ vỡ đập sẽ có lợi cho Ukraine vì các khu vực do Moscow kiểm soát sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nước lũ sẽ phá vỡ những bẫy mìn và gây hư hại các vị trí tiền tuyến của Nga. Theo một số nhà phân tích, hệ thống phòng thủ mà Nga đã dày công xây dựng trong nhiều tháng qua sẽ bị ảnh hưởng một phần, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy động cơ rõ ràng của Ukraine.
Còn theo chuyên gia Michael A. Horowitz, việc đập Kakhovka bị vỡ sẽ khiến cả hai bên mất đi một số lợi thế. “Một số tuyến phòng thủ mà quân đội Nga xây dựng dọc bờ biển sẽ bị mất và điều này chắc chắn tác động đến các khu định cư ở những vùng do Nga kiểm soát. Còn đối với Ukraine, điều này sẽ dẫn đến thảm họa môi trường và nguy cơ mất đi một trong những nguồn năng lượng chính ở phía Nam”.
Vài tháng trước khi vụ việc xảy ra, các chuyên gia đã bày tỏ mối lo ngại về nguy cơ đối với con đập Kakhovka, đồng thời cảnh báo rằng, hồ chứa ở phía sau của nó đã quá đầy do mưa lớn và tuyết tan. Frank Ledwidge, giảng viên về chiến lược quân sự tại Đại học Portsmouth ở Anh nhấn mạnh: “Vụ vỡ đập là thảm họa đối với tất cả mọi người”.
Cuộc phản công của Ukraine có thể bị cản trở?
Vẫn còn quá sớm để xác định vụ vỡ đập ảnh hưởng ra sao đến cuộc phản công của Ukraine, đặc biệt khi Kiev giữ bí mật tuyệt đối về kế hoạch của họ. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, vụ việc có thể cản trở các cuộc tấn công trên bộ và buộc chính phủ Ukraine phải tập trung sự chú ý cũng như mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả.
Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland lưu ý: “Vụ vỡ đập thủy điện có thể khiến nhiều khu vực rộng lớn bị ngập lụt trong thời gian dài. Điều kiện ẩm ướt và lầy lội trên mặt đất sẽ khiến Ukraine khó có thể di chuyển số lượng lớn xe bọc thép hay pháo binh để phá vỡ công sự của Nga”.
Còn theo chuyên gia Christopher Tuck, rất khó có khả năng vụ vỡ đập sẽ ngăn chặn hoàn toàn cuộc phản công của Ukraine: “Các cuộc tấn công qua đường sông thường rất khó khăn, vì thế Ukraine có thể lựa chọn tấn công theo trục đất liền hơn là dọc theo sông Dnieper. Nhưng lũ lụt có thể làm gián đoạn các cuộc tấn công thứ cấp của Ukraine từ hướng đó”.
Ngay cả trước khi vụ vỡ đập xảy ra, sông Dnieper vẫn được coi một chướng ngại vật đáng kể đối với các lực lượng Ukraine. Họ sẽ phải tìm cách vượt qua con sông này bằng thuyền, trên cầu vượt hoặc cầu phao hay trực thăng. Tất cả các phương tiện đó đều có nguy cơ bị tấn công.
Michael Kofman, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA cho rằng, thay vì vượt qua sông Dnieper, Ukraine có thể lựa chọn tấn công mạn phía Đông của con sông, ở vùng Zaporizhia. Cuộc tấn công này sẽ giúp họ tránh được chiến dịch vượt sông nguy hiểm, trong khi vẫn có cơ hội chia cắt các lực lượng Nga ở phía Nam Kherson và ở khu vực miền Đông.
“Nếu kế hoạch của Ukraine là chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga ở Zaporizhia và tiến tới giới tuyến trên bộ từ Crimea, hoặc cắt đứt hành lang trên bộ nối tới bán đảo Crimea, lũ lụt có thể sẽ không cản trở hoạt động của họ”, ông Michael Kofman lưu ý.
Theo VOV