Và giờ đây, trong thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, mang lại không ít những thành tựu đột phá nhưng đồng thời cũng dẫn tới nhiều hệ luỵ khó lường, trong đó có vấn nạn thông tin sai trái, độc hại, báo chí cách mạng lại lĩnh trên vai sứ mệnh mới nhiều thách thức: “bảo vệ biên cương tư tưởng” trên không gian mạng.
1. Ngày 26/12/2022, TAND tỉnh An Giang tuyên phạt Nguyễn Như Phương (31 tuổi, trú tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) 5 năm tù về tội “Làm, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo cáo trạng, ngày 4/10/2021, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang phát hiện 3 tài khoản Facebook “Nguyễn Phương (Phương Hàng Nhật)”, “Hoàng Dũng”,“Phạm Minh Vũ” đăng tải nhiều thông tin, tài liệu, hình ảnh, file âm thanh có nhiều lượt người theo dõi, thích, bình luận với các nội dung xuyên tạc; kích động chống phá Đảng, Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức… làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, công tác phòng, chống dịch của cả nước nói chung và ở An Giang nói riêng.
Ngày 12/01/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng Lê Mạnh Hà – trú tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối tượng đã nhiều lần biên soạn, đăng tải, chia sẻ thông tin không chính xác trên các trang facebook, Youtube… các bài viết, video clip có nội dung xấu độc, nhằm tuyên truyền, nói xấu chính quyền, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.
Điều đáng nói là những đối tượng như Lê Mạnh Hà, Nguyễn Như Phương coi thường pháp luật lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước không là cá biệt, thậm chí theo xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Theo thông tin từ Bộ Công an, chỉ từ đầu năm 2022 đến trung tuần tháng 5/2023, Bộ Công an đã khởi tố và điều tra 572 vụ án liên quan đến việc tung tin sai sự thật trên internet và các trang mạng xã hội, đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 955 đối tượng, gọi, hỏi răn đe và 1.500 đối tượng. Những con số trên cho thấy hiện tượng thông tin giả, xấu độc, những thông tin xuyên tạc, kích động từ các đối tượng phản động thù địch, cơ hội chính trị lan tràn trên các phương tiện mạng xã hội là hết sức đáng quan ngại.
“Tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên mạng xã hội nhằm lôi kéo người xem để kiếm tiền. Thậm chí, một số đối tượng tìm mọi cách để nổi tiếng trên mạng xã hội, kể cả việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền” – Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhấn mạnh như vậy tại diễn đàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8/2022.
Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội nhân phiên họp, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Các đối tượng triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin… Thủ đoạn phổ biến tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện “nóng”, các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận. Thậm chí, một số đối tượng tìm mọi cách để nổi tiếng trên mạng xã hội, kể cả việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền…
Rõ ràng, mạng xã hội ngày nay đang là phương tiện cung cấp thông tin và truyền thông hiệu quả, nhưng cũng là công cụ mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tăng cường các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
2. Trước tình hình đáng quan ngại đó, người đứng đầu ngành Công an cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật.
Bộ Công an cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ chủ động bám sát diễn biến tình hình, nhất là các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp có nguy cơ bị các đối tượng khai thác để tạo dựng, tán phát, chia sẻ thông tin giả mạo, tin sai sự thật; chủ động rà soát, đánh giá xác định đối tượng “nguồn tin trọng điểm” để đôn đốc, hướng dẫn, điều phối tổ chức truy tìm, đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước…
Trước đó, trước vấn nạn thông tin xấu độc, Luật an ninh mạng được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 chỉ ra rõ những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng.
Ngày 15/4/2020, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, trong đó quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
Như vậy, hành lang pháp lý để xử phạt các hành vi lan truyền thông tin xấu độc là khá đầy đủ. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống lại vấn nạn thông tin xấu động, sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật có chiều hướng ngày càng diễn biến phức tạp… những nỗ lực của các cơ quan ban ngành chức năng là không đủ, cần có sự “tiếp sức” từ nhiều phía, trong đó báo chí được xem là lực lượng nòng cốt.
3. Một câu hỏi lớn sẽ được đặt ra là, các cơ quan báo chí sẽ làm gì trong một cuộc chiến mà kẻ thù lại luôn đông đảo với vô số “anh hùng bàn phím” luôn hừng hực khí thế tranh luận, bình luận một cách quá khích, luôn thích bày tỏ chính kiến; luôn ngộ về “quyền lực ảo” trên không gian mạng, đồng thời lại mang ưu thế là kẻ giấu mặt với đặc tính “ảo”, dễ ẩn danh, lan truyền nhanh trên không gian mênh mông vô giới hạn như các nền tảng xuyên biên giới, chưa kể lại núp bóng, lươn lẹo dưới nhiều danh nghĩa?
Nhưng như người xưa thường nói, muốn ra trận trăm trận trăm thắng, trước tiên phải nắm được thủ đoạn của chúng.
Nhìn vào những vụ thông tin phản động, xấu độc đã bị xử phạt, các cơ quan chức năng cho biết, các thế lực thù địch thường tập trung chống phá vào một số vấn đề cốt yếu như: Rêu rao những luận điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin; tập trung công kích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công kích các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, gây nghi ngờ, chia rẽ nhân dân với Đảng; lợi dụng một số hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành xã hội của chính quyền các cấp để tập trung bôi nhọ, công kích chính quyền; Bóp méo, hạ thấp, phủ nhận thành quả đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng…
Nắm được thủ đoạn, thuộc lòng tâm địa của chúng, như lời đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, báo chí đã chủ động phê phán, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về tình hình đất nước cũng như các chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển đất nước; vạch trần, chỉ rõ âm mưu của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo, kích động người dân tụ tập, khiếu kiện đông người (đặc biệt tập trung vào các thời điểm quan trọng, như: chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội; khi Đảng, Nhà nước ta phải quyết định những vấn đề quan trọng, v.v…). Một số tạp chí như: Cộng sản; Lý luận Chính trị, Tuyên giáo, Triết học, Dân tộc học, Công tác tôn giáo, Nghiên cứu dân tộc,… cùng các cơ quan báo chí chính trị chủ lực và một số báo thuộc bộ, ngành, tổ chức xã hội,… đã tập trung luận giải và làm rõ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; khẳng định những chính sách nhân văn, có lý, có tình, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền con người của Việt Nam; vạch rõ chiêu trò, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội, báo chí nước ngoài để gây nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam; phân tích, khẳng định, chứng minh cơ sở pháp luật đúng đắn của Việt Nam – quốc gia có chủ quyền trong việc khởi tố, bắt tạm giam, xét xử một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, như: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu, Phạm Thị Đoan Trang, v.v…
Như vậy, báo chí lâu nay đã làm tốt nhưng để cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng hiệu quả hơn nữa, công cuộc phê phán, phản bác các luận điệu sai trái ấy càng phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, sắc sảo hơn nữa.
Bên cạnh đó, trong cuộc chiến với những thế lực dã tâm khuất nẻo trên không gian mạng, điều báo chí cần làm không chỉ là “công phá” những “vùng báo động đỏ” mà quan trọng không kém còn là công cuộc tạo dựng, giữ vững và lan toả những “vùng xanh tư tưởng”, thiết lập nên đường biên giới bảo vệ vững chắc “biên cương tư tưởng”. “Vùng xanh” ấy là những thông tin tích cực, phản ánh khách quan trung thực những thành tựu rõ nét của công cuộc đổi mới mà Đảng ta đã khởi xướng gần 40 năm qua, minh chứng bằng những đổi thay tích cực trong mọi mặt lĩnh vực đời sống vật chất tinh thần của đông đảo người dân Việt Nam; là thực tế không thể phủ nhận của việc con người Việt Nam ngày càng được phát triển toàn diện, các quyết sách, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta đều là vì con người, lấy con người là trung tâm, luôn vì những đối tượng yếu thế, không để ai ở lại phía sau…; Là vị thế, uy tín ngày càng được nâng cao, vì nể của Việt Nam trên trường quốc tế, là một Việt Nam được tín nhiệm bầu vào ủy ban nhân quyền LHQ thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực…
Để làm được điều đó, những người làm báo phải tìm đến với mọi ngõ ngách thực tế của cuộc sống, chứng kiến những dòng chảy đổi thay tích cực trong mọi mặt lĩnh vực của đời sống chính trị – kinh tế – xã hội của đất nước. “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực” – Lời Bác dặn năm xưa có lẽ chưa bao giờ cũ.
Và điều quan trọng nhất là trước khi đặt bút viết, mỗi người làm báo hãy bắt đầu mỗi dòng chữ của mình bằng cái tâm trung trinh với sự thực của những người làm báo cách mạng. Đạo đức báo chí không chỉ nằm trong phạm vi điều chỉnh thuộc các quy định của Luật Báo chí hiện hành, mà còn là tâm thức và phương châm hành nghề của tất cả những người làm báo cách mạng. Nền Báo chí Cách mạng, như Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ, phải là một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn. Chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải nhân văn – thiết nghĩ, đó là điều cốt yếu mà mỗi người làm báo trong cuộc chiến bảo vệ an ninh tư tưởng cần ghi nhớ. Cuộc chiến ấy có thành công, những vùng xanh thông tin tích cực có được lan toả, sứ mệnh gìn giữ bảo vệ biên cương tư tưởng có được giữ vững hay không, trước hết phải bắt đầu từ sự “Chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn” ấy.
Hồng Sâm