Trong hơn 5 năm các ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo, không phải ai cũng nhớ được rằng, để có những chiến tích vô tiền khoáng hậu ấy, các CLB, Học viện hay Trung tâm bóng đá như HAGL, Hà Nội FC, SLNA, Khánh Hòa, PVF, Viettel… đã phải đầu tư bao tiền của ngót cả chục năm.
Hình ảnh dưới đây là một bữa ăn trưa của tuyến trẻ U10 và U12 Trung tâm Thăng Long Sports, Bình Tân, TP.HCM, cũng là “lò” của Q.5 hơn 10 năm qua. Lứa cầu thủ này, trong đó có con trai của người viết (sinh năm 2012), sẽ tham dự VCK U12 TP.HCM sau đây 3 tuần hội quân. Bữa ăn thậm chí còn thiếu rất nhiều chất, nhưng đó là tự lực cánh sinh. Nói theo HLV Nguyễn Thành Nam, đam mê bao nhiêu cho đủ, nếu một ngày kia mình… hết tiền lo cho các cháu?!
Xin nói luôn với quý độc giả, dù chỉ là một Trung tâm tư nhân mà một người thầy mẫn cán như Nguyễn Thành Nam lập ra từ hơn 10 năm trước, thì những bữa ăn như thế này vẫn còn quá ngon, so với không ít Trung tâm bóng đá hay Học viện cấp CLB ở Việt Nam.
Như Thể thao & Văn hóa đã thông tin ở các số báo trước, có thông tin cho biết cứ 10 tỷ đồng tài trợ cho bóng đá SLNA, thì 9,5 tỷ sẽ dồn cho đội 1. Chỉ còn 0,5 tỷ đồng cho các tuyến trẻ. Mà các tuyến trẻ của SLNA là những ai và bao nhiêu con người, bao nhiêu chi phí?! Dường như chúng ta dành quá ít sự đầu tư cho bóng đá trẻ, nhưng vẫn kỳ vọng đầu ra (bóng đá đỉnh cao) tối ưu. Từ thầy cho đến thợ, cả quản sinh đều yếu và thiếu, đấy là chưa nói đến kinh phí. Bóng đá Việt Nam không thiếu nhân tài, nhưng hay bị mai một, chính là lý do này.
Một bữa ăn của các cầu thủ nhí ở Trung tâm Thăng Long Sports, Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: CCKM |
Cơ chế vốn đã vướng, ngay cả thực tế với đào tạo trẻ, vốn là chân rết của nền bóng đá, còn vướng và khó đủ điều. Nhiều CLB chuyên nghiệp, ví như Hải Phòng, SHB Đà Nắng, B.Bình Dương hay Khánh Hòa…, thậm chí còn giải tán luôn các tuyến trẻ. Để rồi, tất cả đều đợi nhà đầu tư và chờ mua thành công bằng tiền. Nhưng tiền ở đâu mà ra?!
Trở lại với vấn đề mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết. Mầm non chính là tương lai của nền bóng đá, song có mấy người làm bóng đá không vụ lợi mà bằng cái tâm?! Ở TP.HCM, người viết xin được giới thiệu ít nhất 2 người, đó là chuyên gia Đoàn Minh Xương, người đã cất bước bao thế hệ cầu thủ ở Trường Đại học TDTT TW2, nay là Thủ Đức, TP.HCM lên chuyên; người còn lại chính là Nguyễn Thành Nam, một giáo viên GD thể chất đam mê bóng đá. Tại Khánh Hoà, đấy là Dương Quang Hổ, ở Đà Nẵng là Phan Thanh Hùng, Bùi Thông Tân…
Gần 30 CLB và Trung tâm bóng đá cộng đồng tư nhân sẽ tham dự VCK U12 TP.HCM dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 này. Trước đó, một số (15 đội trong 48 CLB) đã vượt qua vòng loại U11 toàn quốc, để có thể tham dự VCK tại Tây Nguyên tới đây, trong đó có Trung tâm bóng đá tư nhân Ngọc Hùng, mà người dẫn dắt là cựu tuyển thủ Nguyễn Thành Long Giang. Ai đầu tư cho các Trung tâm này, ví như Ngọc Hùng hay Thành Nam, là LĐBĐ TP.HCM (HFF) ư? Họ chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp mà thôi.
Các Trung tâm bóng đá cộng đồng hay Học viện bóng đá tư nhân được mở ra, là rất tốt và có ích cho trẻ em và đặc biệt là phụ huynh của chúng. Nhưng, phần nhiều vẫn là tự phát, không (hoặc chưa) có định hướng nào cả của các LĐBĐ địa phương hay cao hơn là VFF, và có lẽ đấy là một trong những lý do khiến chúng ta khó có thành tích ổn định với bóng đá trẻ.
(Theo https://thethaovanhoa.vn/su-viec-y-kien-suy-ngam-cung-bong-da-tre-20230606230728457.htm)
.