Sáng ngày 9/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi làm việc, nghe Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 (đề án). Tham dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đại diện doanh nghiệp , hợp tác xã sản xuất, chế biến thanh long. Đồng thời kết nối trực tuyến tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, thanh long được UBND tỉnh xác định là một trong 4 mặt hàng chiến lược của tỉnh, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là cây trồng đặc sản đứng đầu trong 11 loại trái cây trong chiến lược phát triển rau hoa, quả Việt Nam.
Hiện toàn tỉnh có trên 27.700 ha thanh long, trong đó hơn 11.000 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 560 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Thanh long Bình Thuận đã góp phần rất lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, là sản phẩm quan trọng nâng cao thu nhập cho nông dân… Tuy nhiên, hiện trạng phát triển thanh long đang tiềm ẩn nhiều vấn đề trong cả khâu sản xuất và tiêu thụ, cần phải làm rõ để giúp cho công tác quản lý cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững…
Do đó, mục tiêu xây dựng Đề án nhằm ổn định diện tích cây thanh long, phát triển bền vững, nâng cao giá trị, duy trì, phát huy thương hiệu thanh long Bình Thuận. Đồng thời, phát triển thanh long theo quy trình sản xuất tốt, tiến đến hữu cơ, sản xuất đa giá trị…
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt đề án, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã và sở, ngành, địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh thực trạng và giải pháp phát triển thanh long. Trong đó, tập trung giải quyết đầu ra thanh long khi vào chính vụ, việc bảo tồn, mua giống thanh long ruột trắng. Các ý kiến cũng nhấn mạnh cần chú trọng về chất lượng thanh long chứ không đi theo số lượng và có sự đột phá trong chuyển giao kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 được các cấp, ngành, địa phương rất quan tâm. Lãnh đạo tỉnh cơ bản thống nhất về báo cáo đánh giá hiện trạng phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cho biết, Sở Nông nghiệp và PTNT cần làm rõ hơn một số thông tin về hiện trạng cây thanh long như tổng diện tích, số liệu thanh long VietGAP, GlobalGAP, diện tích thanh long già cỗi, hiện trạng về giống và thị trường tiêu thụ. Qua đó đánh giá, đề ra các chỉ tiêu trong thời gian tới cho phù hợp.
Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo đề án, trình UBND tỉnh xem xét. Đồng thời lưu ý việc xây dựng các mô hình sản xuất thanh long GlobalGAP ở những điểm có diện tích lớn, có năng lực, tiềm năng. Song song, nghiên cứu việc chế biến từ quả thanh long, ngoài xuất khẩu, cần hướng đến nhu cầu nội địa, trong đó có phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Đồng chí Nguyễn Hồng Hải đề nghị Hiệp hội thanh long Bình Thuận thể hiện tốt hơn nữa vai trò dẫn dắt, cần có sự gắn kết doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, phải nắm được nhu cầu của các thị trường tiêu thụ, năng lực của địa phương để có định hướng, thông tin khuyến cáo đến người sản xuất, doanh nghiệp…
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã trao bằng Kỷ lục Châu Á đối với đặc sản thanh long cho Hiệp Hội thanh long Bình Thuận. Được biết, trong tháng 5/2023, Bình Thuận vinh dự được đón nhận bằng Kỷ lục Châu Á đối với đặc sản thanh long và nước mắm thương hiệu Con Cá Vàng Phan Thiết, do Viện Kỷ lục Việt Nam xác lập và công nhận.