Tránh mâu thuẫn, chồng chéo
Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 9/6, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) nêu thực trạng, có một số loại đất hiện nay không được quy định trong Luật Đất đai nhưng lại được quy định ở những luật khác, gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong thời gian vừa qua.
Như các loại đất hỗn hợp, đất khu dân cư xây dựng mới… ở một số khu vực đô thị sẽ khó khăn vì cơ sở để chuyển mục đích sử dụng đất quy định ràng buộc theo Luật Đất đai nhưng nếu làm theo Luật Quy hoạch thì lại có nhiều loại đất khác, gây lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có các quy định rõ việc phân loại các loại đất và sử dụng phân loại đất này để làm cơ sở khi lập quy hoạch sử dụng đất theo Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản để tránh mâu thuẫn, chồng chéo và không giải quyết được nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ phương án không ban hành bảng giá đất hàng năm. Chính quyền địa phương sẽ cập nhật kịp thời các biến động ở những cái khu vực có biến động lớn, còn lại ở những khu vực không có biến động thì không cần phải lập bảng giá đất này.
Theo đại biểu, nếu như chính quyền địa phương ban hành chậm sẽ ảnh hưởng đến người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục liên quan đến bảng giá đất.
Về phương pháp định giá đất theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, nữ đại biểu cho rằng để bảo đảm nguyên tắc này rất khó.
“Hiện nay, quy định của luật hiện hành tính theo nguyên tắc giá thị trường còn gặp khó khăn trong thực hiện, có nghĩa là chỉ riêng cơ sở để xác định giá đất còn khó khăn. Bây giờ đơn vị tư vấn và Hội đồng thẩm định giá đất còn phải vừa xác định giá đất và vừa phải cân đối giữa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư, của người dân nữa thì tôi cũng không biết các đơn vị đó sẽ làm bằng cách nào?”, đại biểu băn khoăn.
Từ đó, đại biểu cho rằng phải có một cơ sở để tính toán, bởi nếu quy định chặt chẽ nhưng không khả thi sẽ rất khó trong quá trình triển khai thực hiện.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất kịp thời
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Tp.Hồ Chí Minh) nêu rõ, qua thực tế cho thấy, việc rà soát quy hoạch sử dụng đất nếu được thực hiện 5 năm một lần sẽ không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng kinh tế biến động mạnh mẽ.
Do đó, đại biểu đề nghị xem xét áp dụng linh hoạt về thời hạn, định kỳ rà soát phù hợp với từng vùng của địa phương.
Về thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ, tái định cư, bà Lệ cho rằng dự thảo Luật đã quy định rất cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã-hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định rõ nội hàm, điều kiện, tiêu chí của các dự án này.
Đồng thời, Chương 7 dự thảo Luật cũng đã điều chỉnh cụ thể hơn về các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.
“Những nội dung này đã thể hiện đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 18 theo hướng có lợi nhất cho người sử dụng đất. Rõ ràng, nghĩa vụ của chính quyền là phải tạo điều kiện cho người dân trong diện thu hồi đất có cuộc sống bằng, thậm chí là tốt hơn ở nơi ở cũ”, đại biểu nhấn mạnh.
Bà đề nghị bổ sung thêm quy định đối với trường hợp thu hồi đất xây dựng hạ tầng cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung người lao động cần thể hiện rõ điều kiện bao gồm xây dựng cả về vật chất và tinh thần, chứ không chỉ quy định đơn thuần là xây nhà. Vì hiện nay, đời sống tinh thần của người lao động ở các khu vực trên hầu hết còn hạn chế.
Liên quan giá đền bù thu hồi đất, phát biểu tại phiên thảo luận, đại Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay giá đền bù đã bắt đầu tiếp cận hướng giá thị trường, song ông cho rằng cũng cần phải tính đến bồi thường thiệt hại về tinh thần khi thu hồi đất.
“Luật Dân sự cho phép đền bù, bồi thường vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần. Cho nên, cũng phải tính đến chuyện đền bù tinh thần là bao nhiêu trong việc người dân phải di dời nhà cửa, rời nơi thân thiết đã gắn bó kỷ niệm lâu năm. Nếu như đền bù quy ra tiền thì chúng ta cũng phải tính tất cả các yếu tố đó”, đại biểu nêu rõ.
Về bảng giá đất, đại biểu đề nghị trách nhiệm cập nhật bảng giá là thuộc về Nhà nước, cùng với việc Nhà nước phải đứng ra làm “trọng tài” trong việc để giá đất sát giá thị trường.
Theo đại biểu, quy tắc giá thị trường là căn cứ cực kỳ quan trọng cho nhiều vấn đề khác, kể cả giải quyết tranh chấp cũng dựa vào bảng giá đất của Nhà nước.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng những quy định về các hình thức BT góp vốn và chuyển giao cũng phải hết sức chặt chẽ và giới hạn các đối tượng để không bị thất thu đất.
Đại biểu nêu thực tế thời gian qua, có các dự án thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích công cộng, nhưng một thời gian sau khi thu hồi chưa triển khai dự án thì lại thay đổi mục đích sử dụng đất.
“Có thực trạng thu hồi đất để xây dựng khu vui chơi giải trí nhưng lại do một quy định nào đó lại chuyển sang thành trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở. Dẫn đến sự chênh lệch địa tô rất lớn sau khi chuyển đổi mục đích sang đất trung tâm thương mại kết hợp với dịch vụ, nhà thương mại và cuối cùng bán với giá rất cao. Trong khi đó, giá đền bù cho những người dân bị thu hồi đất rất thấp. Chính vì thế, dẫn đến tranh chấp đất đai và khiếu kiện kéo dài”, đại biểu cho hay.
Do đó, trong dự thảo Luật, ông Đức cho rằng vấn đề này cần phải được “trói” bằng một quy định rất rõ tại Điều 12, đó là các hành vi bị cấm. Trong đó, phải quy định rõ thu hồi đất với mục đích quốc phòng, an ninh nhưng phải nghiêm cấm không được chuyển đổi sang các mục đích sử dụng đất khác.