Thị xã Phan Thiết của tôi, cái mảnh đất khiêm tốn nằm ép tận cuối dải đất miền Trung. Tuy nhỏ nhắn, mảnh mai, không lầu cao đường rộng, không thành quách, đền đài.
Nhưng nó luôn gợi lên trong tôi một miền hoài niệm, càng lúc càng lớn dần theo năm tháng mà dù có đi đâu, ở đâu, tôi cũng mong được tha thiết quay về. Quay về như một đứa con xa xứ tìm về nguồn cội của mình, để được đắm mình trong cái mùi nước mắm cá bất hủ, được hít thở cái mùi cá đang phơi khô trên các con đường nhỏ trên phố, trên hè và trên những mái nhà lá xác xơ, đầy nắng gió. Muốn được một mình tư lự, đi nhẹ những bước chân trên những con đường cát đụn gót chân. Để mà nhớ, để mà thương cái hình ảnh quê hương chất chứa bao ngày trong tim mà tôi đã luôn mang theo trên bước đường phiêu bạt.
Tôi muốn được đi lại trên những con đường mà ngày xưa lúc còn bé tôi đã từng đi. Những con đường lác đác với ít bóng cây xanh, và những con đường đặc trưng xứ biển với chỉ toàn cát không là cát. Có vẻ như khi đi lại trên những con đường đầy rẫy những kỷ niệm tuổi thơ này. Đi dưới những tán cây dừa, cây dương liễu, phượng vĩ hay cây vông, cây gạo hoa đỏ, tôi mới thật sự cảm thấy thư thái, dễ chịu. Có cảm giác là chỉ ở những nơi ấy mới là những khoảng trời thơ ấu mà tôi muốn tìm về. Cảm nhận thiên nhiên mà mình đã lưu giữ bao năm trong tiềm thức, làm cho tâm trạng con người trở nên buâng khuâng khó tả, mặc dầu là những hình ảnh đó đã có chút ít đổi thay.
Phan Thiết tôi ngày trước, không có nhiều đường phố có đặt tên nhiều như bây giờ. Cả thị xã chỉ vỏn vẹn những con đường chính trên phố là có trải nhựa đường, rồi vây quanh nó là những con đường cát nội vi, xác định ranh giới từng phố, từng khu vực. Không có nhiều đâu!! Bên này sông, phía tả ngạn, đường dọc trục bắc – nam chỉ có ba con đường, và trục ngang cũng chỉ có ba, tính luôn đường xe lửa. Ba đường dọc chính là đường Lương Ngọc Quyến (Nguyễn Hội), Nguyễn Hoàng (Lê Hồng Phong) và đường Thủ Khoa Huân. Ba đường trục ngang là đường Hải Thượng Lãn Ông, đường bến Bà Triệu (Lê Thị Hồng Gấm) nối với đường Huyền Trân Công Chúa (Võ Thị Sáu). Cùng với đường xe lửa nối dài song song với đường Cao Thắng chạy từ chợ Thiết, Bình Hưng, qua ga rồi đi mãi lên Phú Hội, Mương Mán. Còn lại những nhánh khác, ngang dọc cũng nhiều nhưng chỉ toàn là đường cát, chạy luồn trong xóm ấp và hoàn toàn không có tên đặt như bây giờ. Bên bờ hữu ngạn, do được chọn đặt làm trung tâm kinh tế, buôn bán, giao thương và sản xuất, nên có nhiều đường nhựa có đặt tên hơn. Trung tâm là chợ Phan Thiết, có con đường chính đi giữa lòng phố mang tên nhà vua đầu của triều Nguyễn là vua Gia Long (nay là Nguyễn Huệ). Và chắc cũng để tưởng nhớ nhiều đến công sức mở cõi, định an biên thùy phương Nam của những đời vua đi trước cùng những công thần. Nên từ đầu cầu giữa (cầu Quan) chạy xuống vườn bông nhỏ bên này, hai bên đường chính ôm vòng vườn hoa là tên của hai vị đại thần Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành. Ngày đó chưa có đường tránh và cầu Trần Hưng Đạo chưa làm, đường phố không rộng lớn, trải nhựa láng cón như bây giờ. Mà chỉ có một con đường một chạy xuyên qua trục bắc nam đi luôn qua trung tâm thị xã. Con đường này, đầu ngoài phía bắc có tên Nguyễn Hoàng, chạy vào qua cầu giữa, đi một phía bên hông phố chính Gia Long, đến ngã bảy Đức Nghĩa rồi nối vào đường Đồng Khánh cùng đường Trần Quý Cáp, rồi chạy xuôi nam theo hướng cầu 40. Riêng đầu trong này của đường Trần Quý Cáp có khúc nối đến bờ sông Cà Ty có tên đường Trần Hưng Đạo. Điều đặc biệt trong cách chọn vị trí và đặt tên đường theo cách hồi xưa là những con đường hai bên bờ sông và con đường chạy dọc theo bãi biển, nơi có bến Cồn Chà. Cặp theo hai bên bờ sông, tính từ cầu giữa đi về hai phía thì bên kia sông từ vườn bông nhỏ đi xuống bến Cồn Chà, có tên là Trưng Trắc, nối thêm vào đường Bến Ngư Ông chạy đến xóm Quảng Bình. Còn đối diện ngược lại là đường Trưng Nhị, chạy miết lên đến chùa Cốc, động Làng Thiềng. Còn bên này sông, từ vườn bông lớn chạy về bên phải lên đến Lò Heo là đường Bà Triệu, còn bên ngược lại chạy dài xuống biển Thương Chánh là đường Huyền Trân Công Chúa. Hai bên sông được đặt tên bốn vị nữ lưu anh hùng dân tộc.
Nhớ rất nhiều con đường Huyền Trân Công Chúa đong đầy kỷ niệm ngày xưa. Nếu con đường Nguyễn Hoàng một thời in dấu những bước chân học sinh trung học với ngôi Trường Phan Bội Châu thân thương, có những trưa chiều áo dài trắng tung bay theo gió, guốc mộc nhịp khua bên phía lề về tay phải. Còn những chàng trai áo trắng, quần ka ki xanh tinh nghịch, ngồi từng nhóm trong quán cà phê Ba Điệu, nghểnh cổ chờ từng tà áo lướt qua. Nhất là vào những ngày mưa nhẹ, vừa đủ thấm ướt áo trắng tinh khôi. Những nàng nữ sinh, tay ôm cặp che mưa trước ngực, nón lá trễ sau lưng để che ngược phần lưng, nhưng càng che thì càng lộ vùng hông, nơi có tà áo dài xẻ nách để lộ ra một phần da bụng trắng hồng. Có điều lạ là dù mưa nhỏ hay lớn, các cô từng đôi ba cặp vẫn cứ khoan thai bước đều không vội. Dường như cũng muốn khoe nét đẹp tinh khôi vì biết chắc bên kia đường có nhiều kẻ đang nhìn. Còn ngược lại, đường Huyền Trân Công Chúa lại là con đường kỷ niệm, con đường của những cuộc đi chơi tắm biển cuối tuần, và cũng là con đường rạo rực tình yêu thời mới lớn. Nhớ lắm con đường ngày xưa, khúc bắt đầu gần nơi vườn bông lớn gần tòa Tỉnh. Cả đám đã bỏ chạy trối chết khi đang đi dung dăng, thì bỗng có tiếng còi trên tháp nước xé tai rền hú. Có đứa ngồi bệt luôn xuống đất, mặt méo xệch, nước mắt tuôn tràn vì không còn đủ can đảm chạy vượt qua chỗ đó. Tất cả chỉ vì tội ham chơi, đi về trễ quên cả giờ còi hụ. Thời đó còn nhớ, từ phía trên trước chùa Bình Quang đi ngang chợ Thiết, rồi đi về phía biển. Bên phía động cát bên hông chùa hay có cát và nước nhỉ tuôn ra chảy tràn trên cả mặt đường. Có từng đàn cá con bên trong những bụi dứa gai, cây dại ven đường ung dung theo con nước bơi ra. Trên mặt đường gặp nước cạn, nên vội vàng vẫy đuôi, xòe vây, quay ngược bơi vào. Lũ chúng tôi chỉ việc hai tay bụm lại chặn đầu để bắt. Bắt để mà chơi chứ chẳng biết để làm gì, cứ bụm cá trong tay rồi đưa cho đứa này, đứa kia xem con nào đẹp, con nào xấu mà thôi. Con cá sặt với hai sợi râu dài trên hai vây hông, còn cái mình thì xẹp lép. Cá rô con chỉ bằng cỡ ngón tay, mình mẩy vàng hườm, quạt nước xé gió, lách mình bơi ngang rất giỏi. Còn cá ròng ròng tràu con thì đỏ rực từng bầy, bơi nghênh ngang trong nước, mặc dù mỗi con lớn chỉ bằng mút đũa, dài độ lóng tay.
Đường đi xuống biển thời đó trồng rất nhiều dừa, có cây đã cao chót vót, có cây xòa ngang cả mặt đường. Nhất là khúc đình, vạn Hưng Long, cây dừa được trồng thành từng đám, rộng mát che rợp cả một vùng, được dùng làm nơi đánh dây chão, vá lưới, dựng giàn đóng ghe. Còn biển Thương Chánh thì rợp một trời dương liễu, chạy dài mãi đến tận đồi dương, chỉ tội là không có đường đi thông mà phải men theo biển ven bờ. Biển trời lồng lộng, sóng vỗ miên man, ầm ào, cuộn bọt, tâm hồn thả mộng chơi vơi. Tháo đôi dép cầm tay, tôi đi trong cát mịn ven bờ, mặc cho từng con sóng vỗ đập chạy dài trên bờ cát, làm ướt luôn cả áo và quần. Mặc kệ, trong tôi chỉ còn nghe hai tiếng Phan Thiết thân thương.