(VHQN) – Mộc bản, châu bản triều Nguyễn có liên quan vùng đất Quảng Nam được sưu tầm chưa nhiều nhưng thông qua đó phần nào đã phản ánh vai trò quan trọng của thương cảng Hội An, xứ Quảng Nam đối với kinh kỳ cũng như của lịch sử mở cõi, phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị… của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Mộc bản
Về mộc bản liên quan đến vùng đất Hội An, Quảng Nam xưa phải kể đến các bộ thông sử của triều Nguyễn như sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Trong sách này khắc về tên gọi của vùng đất Quảng Nam bằng việc vua Lê Thánh Tông đặt đạo Quảng Nam vào năm Tân Mão (1471).
Nhà vua đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, phủ là Quảng Nam. Mộc bản sách “Đại Nam nhất thống chí” (quyển 5), chép rất kỹ về vị trí địa lý của tỉnh Quảng Nam gồm phía Đông đến Yên Sơn; phía Tây giáp huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; phía Nam giáp huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi và phía Bắc đến cửa ải Hải Vân.
Sách còn chép hình thế của tỉnh Quảng Nam gồm phía Đông có biển bao vòng, phía Tây có núi che chở, phía Nam liền tỉnh Quảng Ngãi, phía Bắc hướng về Kinh đô. Núi cao thì có núi Tào, núi Ấn, núi Chúa, núi Ngũ Hành. Sông lớn thì có sông Chợ Củi (Sài Thị), sông Cẩm Lệ và sông Bến Ván (Bản Tân). Đồng ruộng rộng bằng phẳng, dân cư đông đúc…
Trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, Quảng Nam thuộc xứ Đàng Trong chịu sự cai quản của chúa Nguyễn và Hội An được chúa Nguyễn chọn làm nơi giao thương với các nước trên thế giới.
Mộc bản sách “Đại Nam thực lục tiền biên” cũng chép rằng chúa Nguyễn Hoàng đã cho đổi huyện Điện Bàn thành phủ Điện Bàn vào năm 1604; chúa Nguyễn Phúc Chu cùng Hòa thượng Thích Đại Sán (người Trung Hoa) đi thăm dinh Quảng Nam, đến phố Hội An, nhận thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp nên đặt tên cầu là Lai Viễn kiều vào năm 1719.
Mộc bản “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” khắc về việc sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Nguyễn, vua Gia Long cho dời tỉnh lỵ Quảng Nam từ Hội An đến xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước vào năm 1806. Còn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ” khắc việc vua Minh Mệnh cho đổi huyện Diên Khánh thành huyện Diên Phước.
Đến năm 1824, vua Minh Mệnh cho đào sông ở Quảng Nam, đào hơn hai tháng thì xong và đặt tên sông Vĩnh Điện, cầu bắc qua sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện. Mộc bản sách này cũng ghi chép về việc vua Minh Mệnh cho đặt thêm huyện Quế Sơn thuộc Quảng Nam vào năm 1827. Cùng năm đó, vua Minh Mệnh cho đổi dinh Quảng Nam thành trấn Quảng Nam.
Ngoài ra, mộc bản sách khắc về ba nhà khoa bảng Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến…
Châu bản
Châu bản liên quan đến Quảng Nam dưới thời Gia Long chủ yếu là của quan công đồng truyền cho các vị cai đội đến Quảng Nam mua vật dụng như đá lát đường, các loại gỗ… và thổ sản như tơ lụa, quế, cau tươi… vận chuyển về kinh phụng nạp hay truyền cấp phát lương thực cho các tàu buôn của người Thanh bị sóng gió đánh dạt vào cửa Đại Chiêm.
Đặc biệt là các bản truyền của quan công đồng cho phép cai đội Trần Văn Huyên lập Thanh Châu Yến đội. Đây là một nghề khá đặc biệt của xứ Quảng, là nguồn tài nguyên thiên nhiên bổ dưỡng được cống nạp vào kinh để hoàng tộc, quan lại trong triều tẩm bổ. Là nghề gắn liền với lịch sử nghề yến Thanh Châu của Hội An – Quảng Nam và cả tam tỉnh yến hộ sau này (Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa).
Châu bản thời Minh Mệnh chép khá kỹ việc đào sông Vĩnh Điện tại Quảng Nam vào năm 1824. Cũng trong chuyến tuần du đến Quảng Nam, vua Minh Mệnh đã truyền dụ cho các địa phương rằng loan giá đi tuần cốt là thăm địa phương xét quan lại, ban ơn huệ cho nhân dân.
Quan binh theo hầu, những nơi đi qua không được giày xéo ruộng lúa, không được làm càn quấy nhiễu. Hội An ở Quảng Nam tuy không được giàu có bằng trước, nhưng vẫn là nơi dân cư đông đúc, hàng hóa tụ tập, nếu có người tham lận, yêu sách mua rẻ, làm cho chợ phố sợ hãi, thì cho dinh thần lập tức tra xét xử tội…
Các nhà phố cùng chợ búa hương thôn cứ làm ăn như thường, chớ có bày biện gì cả. Lại sai Bộ Hộ rằng phàm đường xa giá đi qua, tất cả thứ cung ứng như thuê phu, thuê thuyền, rơm cỏ cho voi ngựa, đều phải trả giá hậu, chớ bắt dân phụng nạp.
Đặc biệt, khi xa giá đến Hội An nhà vua cũng ban cho dân xã Minh Hương được giảm 5 phần bạc thuế, lại thưởng cho miếu Quan Đế 300 lạng bạc, miếu Thiên Hậu 100 lạng bạc để làm nhu phí đèn nhang. Hiện nay tại Quan Công miếu (chùa Ông) ở Hội An vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi lại sự kiện quan trọng này.
Các châu bản thuộc thể loại tấu, bẩm từ thời vua Minh Mạng đến thời vua Khải Định còn cho biết nhiều tàu thuyền các nước như người Trung Hoa, người Pháp… vẫn tiếp tục đến xin buôn bán ở Hội An.
Trong đó có cả việc người Thanh đến xin bán súng, đạn. Ngoài ra, rất nhiều châu bản liên quan đến việc định thuế, thu thuế, giảm thuế, miễn thuế ở phố Hội An và các cảng trong vùng.
Qua hệ thống các bản tấu từ thời Gia Long đến triều Duy Tân cho thấy việc nhà Nguyễn có nhiều chính sách khuyến dụ cho phép thương thân Trung Hoa vào xứ Quảng, cảng Hội An buôn bán càng ngày càng nhiều, thậm chí còn cho phép họ được khai khẩn đất hoang và thăm dò, khai thác khoáng sản.
Năm 1898, vua Thành Thái ban Dụ thành lập một loạt thị xã tại miền Trung, trong đó có thị xã Faifo (Hội An). Cũng như phần mộc bản, các tư liệu châu bản triều Nguyễn sưu tầm được được còn cho biết về nhiều danh nhân tiêu biểu của vùng đất Quảng Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.