Đầu tư xây dựng công trình kè mềm bảo vệ bờ biển Thạnh Phú. Ảnh: Thanh Bạch
– Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, đã gây ra những hiện tượng thời tiết bất thường, các loại hình thiên tai mang tính cực đoan xảy ra ngày càng nhiều hơn, gây thiệt hại về người, tài sản và tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của tỉnh.
Giai đoạn từ 2015 – 2020, tỉnh đã chịu ảnh hưởng bởi 2 đợt xâm nhập mặn hết sức gay gắt, khốc liệt nhất lịch sử. Trong đó, chỉ ước tính giá trị thiệt hại của ngành nông nghiệp do hạn mặn năm 2016 đã lên đến khoảng 1.500 tỷ đồng. Mùa khô đầu năm 2020, tổng diện tích thiệt hại cây trồng toàn tỉnh là 54.146ha, ước giá trị thiệt hại khoảng 2.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn trong những năm qua cũng diễn ra hết sức phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ… ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, như sạt lở ăn sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng lên…
Gần đây nhất là địa phương lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt triều cường cuối tháng Giêng năm 2023. Khi đó, đỉnh triều trên các sông chính trong tỉnh đã vượt mức so với đỉnh triều lịch sử gây ngập úng trên 100ha đất sản xuất gồm hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tại một số khu vực; hơn 1,1km kè biển bị ảnh hưởng; 36m đê bao bị sạt lở; hơn 1km bờ bao khu vực sản xuất hoa màu của người dân bị nhiều thiệt hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
* Tỉnh đã chủ động phòng chống thiên tai như thế nào, thưa ông?
– Rút kinh nghiệm qua các đợt thiên tai, nhất là qua các đợt hạn mặn lịch sử đầu năm 2016 và 2020, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh phải chủ động phòng chống thiên tai ngay từ đầu năm. Trong đó, chú trọng thực hiện với các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tỉnh tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo quy định. Tổ chức xây dựng, ban hành các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai; rà soát, cập nhật, bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó với tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác chuẩn bị phương án huy động nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra tại địa phương nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư tại các vùng sạt lở bờ sông, bờ biển. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển tiếp các nội dung chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai từ cấp tỉnh, huyện, xã bằng nhiều hình thức. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng chống thiên tai.
Cùng với đó là tiếp tục đầu tư các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; dần hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh để hạn chế ảnh hưởng do xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở gây ra; thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cấp nước, ngăn mặn, triều cường… nhằm góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững của nhân dân.
* Xin ông chia sẻ về việc phát huy những mô hình sản xuất thuận thiện để tạo sinh kế bền vững cho người dân?
– Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện tốt việc quán triệt triển khai các nội dung của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và các chủ trương, nghị quyết của Trung ương nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thuận thiên. Địa phương tập trung vào hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển, đồng thời tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển nền nông nghiệp tỉnh sản xuất tập trung, xanh, an toàn, truy xuất nguồn gốc, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ, thích ứng biến đổi khí hậu.
Qua đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thích ứng biến đổi khí hậu, liên kết tiêu thụ sản phẩm ngày càng phát huy hiệu quả, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn có chất lượng cao. Đã khắc phục tình trạng sản xuất mang tính tự cung tự cấp. Cụ thể là phần lớn diện tích vườn tạp đã được cải tạo, từng bước hình thành khá rõ nét các vùng sản xuất như vùng chuyên canh cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng tại Chợ Lách; vùng nuôi thủy sản tập trung ở các huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; vùng canh tác dừa ở huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm; mô hình làng nghề cây giống, hoa kiểng tại Chợ Lách; mô hình chăn nuôi bò ở Ba Tri…
* Một số định hướng ngành nông nghiệp trong thời gian tới?
– Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những mô hình sản xuất thuận thiên để tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Trong đó, nhân rộng các mô hình như: phát triển sản xuất dừa hữu cơ, dừa uống nước gắn với liên kết tiêu thụ; phát triển giống bưởi da xanh với gốc ghép chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau hữu cơ, rau an toàn ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam; phát triển sinh kế nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa; áp dụng các biện pháp canh tác lúa cải tiến thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển sinh kế nuôi tôm rừng sinh thái; phát triển sinh kế nuôi tôm càng xanh xen lúa, xen vườn dừa…
* Xin cảm ơn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!
“Tỉnh tiếp tục định hướng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với sản phẩm du lịch, như phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống; cùng với đó là phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn kết hợp nông nghiệp – du lịch. Kỳ vọng với những mô hình này được phát huy sẽ tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân địa phương trong thời gian tới”.
(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)
|
Thanh Bạch (thực hiện)