Sau loạt diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) trong thời gian gần đây, thì “nhất cử nhất động” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp TQ Lý Thượng Phúc ở Đối thoại Shangri-La 2023 được giới quan sát và công chúng theo dõi sát sao.
Ngoài những phát biểu công khai mà các quan chức Mỹ, TQ trao đổi trong hội nghị và báo chí thì giới quan sát còn quan tâm đến những “thông điệp ngầm” mà nước chủ nhà Singapore nhắn gửi về quan hệ Mỹ – TQ.
Ý tứ của Singapore qua bàn tiệc
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS. Nguyễn Tăng Nghị – Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, trường ĐH KHXH&NV, cho rằng việc Singapore sắp xếp chỗ ngồi cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, TQ trong tiệc khai mạc Đối thoại vào ngày 2-6 và tiệc trưa vào ngày 3-6 thể hiện sự chuyên nghiệp, khéo léo của nước chủ nhà trong việc cố gắng xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, ít nhất là trên bàn tiệc.
Theo TS. Nguyễn Tăng Nghị, Singapore ý thức được rằng đây là cơ hội hiếm hoi mà quan chức quốc phòng cấp cao nhất của hai nước gặp nhau trong bối cảnh quan hệ hai nước đang xấu đi và đặc biệt là khi ông Lý Thượng Phúc đã từ chối gặp song phương với ông Lloyd Austin bên lề sự kiện. Do đó, cách bố trí chỗ ngồi của hai khách VIP này thể hiện rất rõ Singapore coi trọng cơ hội gặp mặt quý giá này.
“Trong lễ tân, ngoại giao chính thống, các nước có thể bố trí tiệc chiêu đãi theo hình thức bàn chữ nhật, bàn tròn, chữ U,… nhưng ưu tiên nhất là hình chữ nhật. Nhìn vào tiệc chiêu đãi các Bộ trưởng Quốc phòng của Singapore vào trưa ngày 3-6 có thể thấy Singapore sắp xếp đại diện của Mỹ Lloyd Austin ngồi bên phải Singapore. Thông thường, vị trí bên phải của chủ nhà là vị trí ưu tiên, trang trọng nhất, và chính vị trí ngồi này cũng phản ánh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Singapore và Mỹ” – TS. Nghị nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen chủ trì tiệc trưa ngày 3-6, với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin ngồi bên tay phải và người đồng cấp TQ Lý Thượng Phúc ngồi đối diện. Ảnh: MINDEF/THE STRAITS TIMES
Ở phía đối diện chủ nhà Singapore là đại diện quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc. Vị trí này cũng thể hiện sự coi trọng của nước chủ nhà với TQ, đồng thời tạo cơ hội để đại diện Mỹ – TQ trao đổi, lắng nghe lẫn nhau trên bàn tiệc.
Theo quan sát của chuyên gia này, trong bữa tiệc khai mạc Đối thoại vào tối ngày 2-6, dù ngồi bàn tròn nhưng ông Lloyd Austin và ông Lý Thượng Phúc cũng được sắp xếp ngồi gần như đối diện nhau.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp TQ Lý Thượng Phúc ngồi đối diện nhau ở bàn VIP 1 trong tiệc khai mạc vào tối ngày 2-6. Ảnh: LIANHE ZAOBAO/ THE STRAITS TIMES
“Khác với ngồi bên cạnh rất khó để thể hiện đầy đủ thông điệp ngoại giao, hướng ngồi đối diện là cách để hai bên có thể truyền đạt đầy đủ thông tin, đánh giá cảm xúc, thái độ, diễn biến tâm lý của đối phương thông qua ánh mắt, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể,…” – TS. Nghị nhận định.
Như vậy, Singapore đã rất nỗ lực và làm rất tốt việc sắp xếp, tạo cơ hội trao đổi, đối thoại cho hai bên để giảm bớt nghi ngờ, mâu thuẫn khi TQ và Mỹ đang có sự khác biệt về mặt quan điểm và không có cuộc gặp riêng bên lề hội nghị.
Cũng trong bức hình toàn cảnh về tiệc tối ở bàn tròn, việc Singapore ưu tiên đại diện Mỹ và TQ ở bàn VIP 1 và bố trí bàn VIP 1 ở chính giữa nhìn lên sân khấu cho thấy Singapore ý thức rất rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Mỹ và TQ đối với Đối thoại An ninh châu Á lần này, chuyên gia này nhận định.
Trong tiệc tối ngày 2-6, bàn VIP 1 được bố trí ở hàng đầu tiên, chính giữa nhìn lên sân khấu. Ảnh: IISS
Đại diện Mỹ, TQ không gặp nhau có phải rất đáng lo?
Trao đổi với báo chí sau khi tổ chức tiệc trưa cho 29 bộ trưởng và các đại diện trong Đối thoại Shangri-La vào ngày 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói rằng các đường dây liên lạc nên được thiết lập không chỉ giữa những người bạn, mà hơn thế nữa là giữa các đối thủ.
Mỹ và TQ đã cắt đứt kênh liên lạc cấp cao nhất này sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu TQ nghi là để do thám hồi tháng 2 và hai bộ trưởng cũng đã không gặp riêng nhau trong Đối thoại lần này.
Ông Ng Eng Hen cho biết trong các cuộc trò chuyện riêng của ông với TQ và Mỹ, ông thấy rằng cả hai bên đều muốn đối thoại và đang hướng tới mục tiêu đó nhưng sẽ tự để hai bên quyết định khi nào và làm thế nào để nối lại liên lạc cấp cao nhất.
Có một số quan chức và chuyên gia cho rằng việc TQ và Mỹ không có đối thoại ở cấp cao nhất sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như qua vụ chiến đấu cơ TQ “tạt qua đầu” máy bay do thám Mỹ vào tuần trước cho thấy quân đội hai nước thường xuyên tuần tra các khu vực tranh chấp như Biển Đông. Nếu không có kênh liên lạc trực tiếp này thì sẽ có nguy cơ lớn xảy ra xung đột ngoài ý muốn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về kênh liên lạc này, TS Nghị cho biết việc Bộ trưởng TQ từ chối gặp phía Mỹ bên lề Đối thoại lần này đã được phía TQ giải thích.
TQ không muốn gặp Mỹ vì không đồng tình với một số vấn đề với Mỹ như về Đài Loan, Mỹ cần gỡ lệnh trừng phạt ông Lý Thượng Phúc hồi năm 2018 vì mua vũ khí Nga, TQ cho rằng Mỹ tập trận với các nước trong khu vực là một sự “khiêu khích” TQ,…
Tuy nhiên, việc hai Bộ trưởng Quốc phòng gặp nhau lần này hay không cũng không ảnh hưởng nhiều đến an ninh khu vực và cũng không hẳn gây ra hậu quả nghiêm trọng, theo TS. Nghị.
Chuyên gia này cho biết theo thống kê của TQ của thì tính từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, TQ đã từ chối 11 cuộc gặp cấp cao với Mỹ, như ở cấp bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng,…nhằm thể hiện thái độ với các chính sách của Mỹ mà TQ coi là nhằm hạn chế sự trỗi dậy và ảnh hưởng TQ. Cho nên việc không gặp này cũng không phải là một điều chưa từng có tiền lệ.
Ông cho rằng việc TQ không muốn gặp Mỹ lần này là thái độ, phản ứng của TQ đòi hỏi Mỹ phải tỏ ra thiện chí hơn nếu muốn đối thoại, chẳng hạn như phải dỡ bỏ lệnh hạn chế của ông Lý Thượng Phúc.
Theo TS. Nghị, Mỹ luôn muốn tìm các kênh khác để liên lạc với TQ và không loại trừ khả năng thông qua kênh cấp Thứ trưởng Quốc phòng và TQ cũng không phản đối điều này. Như vậy thì nếu không có liên lạc quốc phòng cấp cao nhất thì sẽ vẫn có những kênh thấp hơn để giảm thiểu những xung đột ngoài ý muốn.
Nguồn PLO