Trước mùa mưa bão năm nay, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng, triển khai phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là đối với các trường hợp lợi dụng thiên tai để đầu cơ trục lợi, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Dự trữ xăng dầu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh. |
Trên địa bàn tỉnh có 192 chợ truyền thống và 21 siêu thị đang hoạt động. Hạ tầng thương mại phát triển mạnh với hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa tiện lợi tại thành phố Nam Định và dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm thị trấn, thị tứ của các huyện; nguồn hàng ổn định, giá cả cạnh tranh là những điều kiện thuận lợi cho việc dự trữ, phân bố hàng hóa phục vụ công tác PCTT và TKCN đủ về số lượng, đáp ứng kịp thời khi có sự cố thiên tai xảy ra. Sở Công Thương đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng phân phối cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa vừa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thời điểm hiện tại, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời cho nhân dân khi có sự cố thiên tai xảy ra. Đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát những địa bàn xung yếu, có nguy cơ cao bị chia cắt, ngập úng nặng khi mưa lũ xảy ra để thực hiện tốt kế hoạch dự trữ tại chỗ và xây dựng phương án cung ứng hàng hóa. Theo đó nguồn hàng để cung ứng khi có thiên tai xảy ra được các doanh nghiệp cam kết đầy đủ về số lượng lẫn chất lượng, chủng loại hàng hóa và phương tiện giao hàng, đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có tình huống.
Theo thống kê của Sở Công Thương, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã chuẩn bị dự trữ 3 nhóm hàng hóa cơ bản là lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Trong đó Công ty Cổ phần Lương thực Nam Định dự trữ thường xuyên trên 400 tấn gạo tại tổng kho ở thành phố Nam Định; Công ty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh) dự trữ thường xuyên khoảng 1.000 tấn gạo; Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) có khả năng cung ứng 300 tấn gạo. Bên cạnh đó, trên địa bàn các huyện có các cửa hàng kinh doanh lương thực đảm bảo cung ứng đủ gạo đến tay người tiêu dùng. Về thực phẩm các doanh nghiệp chuyên doanh thực phẩm, nông sản chế biến đã chuẩn bị một lượng lớn mì tôm, lương khô, nước uống đóng chai… Nhóm các siêu thị: Go!, Lan Chi Mart, Countrymart và các nhà phân phối, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Mai Phương, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bắc sông Hồng, Công ty TNHH Huy Hùng… đã chủ động nhập tăng thêm số lượng hàng hóa trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo dự trữ thêm một lượng hàng hóa nhất định phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, mô hình cửa hàng tiện lợi như Winmart+, Minmart, Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, Thành Nam Food… đang ngày càng phổ biến và được mở rộng trên địa bàn tỉnh đã góp phần đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa cho tiêu dùng của nhân dân trong mùa mưa bão. Tổng lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ và kinh doanh trên địa bàn tỉnh khoảng 66,7 nghìn thùng mì ăn liền; 11,85 nghìn thùng nước uống đóng chai; 3.200 thùng lương khô, bánh các loại… Các đầu mối kinh doanh xăng, dầu như: Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An, Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Nam Định… cùng 290 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã chủ động bám sát nguồn hàng, cung cấp xăng dầu theo hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đủ chất lượng, số lượng, chủng loại và đúng kế hoạch cho các thương nhân là tổng đại lý, đại lý nhượng quyền thương mại, không để gián đoạn nguồn cung ứng. Khi các địa bàn bị cô lập do mưa bão, thiên tai thì nguồn xăng dầu mỗi cửa hàng cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng. Ngoài 3 nhóm hàng thiết yếu, các mặt hàng khác như vật liệu xây dựng, tấm lợp tôn, đinh vít, dây thép cũng được các Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Dân Phú, Công ty Cổ phần Vật tư kim khí Tùng Nam và hệ thống các cửa hàng vật liệu xây dựng ở các huyện, thành phố duy trì số lượng hàng hóa, cung ứng đầy đủ đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.
Các doanh nghiệp cũng lên phương án bảo quản ở kho hàng tại điểm kinh doanh và cung ứng khi có sự cố thiên tại xảy ra. Theo đó các doanh nghiệp chủ động phân nhỏ lượng hàng dự trữ ở các kho khác nhau; gia cố đảm bảo an toàn, chống ngập lụt, chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị vận chuyển trong trường hợp bão lũ xảy ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt ưu tiên khu vực vùng trũng, thấp dễ bị chia cắt, vùng ven biển bảo đảm không để tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra trong mưa lũ. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát về giá cả, chất lượng hàng hóa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Theo Sở Công Thương, đáng ghi nhận là toàn bộ kinh phí chuẩn bị nguồn hàng dự trữ lần này đều do các doanh nghiệp tự nguyện chi trả bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp. Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp, siêu thị được Sở vận động tham gia dự trữ hàng hóa đã chuẩn bị nguồn hàng khá đầy đủ và đã có kế hoạch vận chuyển hàng hóa trong mùa mưa bão năm nay. Về giá cả, các siêu thị luôn có các chương trình bình ổn giá, như: khuyến mãi, giảm giá sâu, hỗ trợ giao hàng về nhà…, tùy từng thời điểm cụ thể để chủ động hỗ trợ người dân trong thiên tai. Hàng hóa dự trữ được đơn vị sử dụng và luân chuyển theo chu kỳ để đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.
Với sự chủ động của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các cam kết dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, đại lý cũng như sự kiểm soát chặt chẽ về thị trường hàng hóa, các loại hàng hóa thiết yếu sẽ được cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ứng cứu thiên tai và phục hồi sản xuất khi mùa mưa bão đang đến./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương