Vải thiều, nhãn đang vào vụ thu hoạch. Nguồn cung trái cây dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Để quả nhãn, quả vải thiều được mùa, được giá, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp xúc tiến thương mại (XTTM), kết nối cung cầu.
Dự kiến nhãn, vải thiều được mùa
Vải thiều, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích khoảng 98,3 nghìn héc-ta; chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền. Trong đó, vải thiều 58,8 nghìn héc-ta, nhãn 39,5 nghìn héc-ta, tập trung tại một số tỉnh như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La…
Hai loại trái cây này còn là đại diện tiêu biểu của ngành rau, quả Việt Nam chinh phục thị trường thế giới. Sản phẩm vải thiều tươi đã được xuất khẩu tới 30 thị trường khác nhau như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong ASEAN, Trung Ðông… và đang tiếp tục được mở rộng. Riêng trái nhãn, thị trường tiêu thụ vẫn ở trong nước là chủ yếu nhưng cũng bước đầu được xuất đi Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Nông dân Bắc Giang với vườn vải trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: HÀ MY |
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết; “Thời gian qua, địa phương tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2023 cao nhất từ trước đến nay. Ước sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm 2023 đạt hơn 180.000 tấn; thời gian thu hoạch tập trung vải thiều từ ngày 25-5 tới 30-7. Bắc Giang lên kế hoạch xuất khẩu 55% sản lượng vải thiều. Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu tiềm năng gồm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, UAE, Singapore, Thái Lan… Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân đến địa phương thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn”.
Đối với tỉnh Hải Dương, ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho hay: “Năm 2023, dự kiến sản lượng vải thiều của tỉnh đạt khoảng 61.000 tấn. Vải thiều của tỉnh Hải Dương hầu hết được sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó có 500ha vải thiều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm bắt đầu từ ngày 15-5 tới 5-6. Vải thiều chính vụ bắt đầu thu từ ngày 5-6 tới hết tháng 6-2023”.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Cường, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên: Năm 2023, tỉnh Hưng Yên có hai loại vải là vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên với tổng diện tích canh tác 1.100ha, sản lượng khoảng 12.700 tấn. Đối với nhãn, toàn tỉnh có diện tích canh tác hơn 4.730ha với tổng sản lượng khoảng 45.000 tấn. Thời gian qua, các hoạt động XTTM, kết nối cung-cầu đã và đang được địa phương triển khai mạnh mẽ. Trong đó, tập trung vào tổ chức các phiên chợ XTTM vải và tổ chức chuỗi sự kiện XTTM cho nhãn lồng.
Áp lực lớn về tiêu thụ
Theo Bộ Công Thương, nguồn cung trái cây dồi dào cũng đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế; đặc biệt đối với mặt hàng vải thiều, nhãn tươi, sản lượng tập trung lớn, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn. Thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán…
Chia sẻ khó khăn trong tiêu thụ vải thiều hiện nay, ông Trần Quang Tấn nêu một số vấn đề như: Chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không cao; chưa triển khai công nghệ bảo quản vải thiều để vận chuyển bằng đường biển; tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc hằng năm vẫn diễn ra; việc chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội để đưa sang thị trường Hoa Kỳ đang trong quá trình triển khai… Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hảo bổ sung thêm, tình hình kinh tế các nước EU khó khăn, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ của thị trường đối với mặt hàng vải thiều, nhãn từ Việt Nam, còn nhiều rủi ro về thanh toán tại một số thị trường…
Tăng cường liên kết, đa dạng kênh phân phối
Thời gian qua, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ luôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương. Với nguyên tắc hỗ trợ sớm nhất có thể, đón đầu các mùa vụ, Bộ Công Thương tập trung cao việc triển khai hoạt động XTTM thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại ở trong nước cũng như nước ngoài. Đặc biệt, Bộ Công Thương luôn tìm cách để phát huy tối đa vai trò của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài-một kênh nghiên cứu, đánh giá thị trường, các cơ chế, chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại.
Để vải thiều tiếp cận sâu rộng người tiêu dùng Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: “Ngoài chú trọng nâng cao chất lượng, các địa phương trồng vải thiều, doanh nghiệp nên chú trọng tới vấn đề quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, đối với loại trái cây như vải thiều có thời gian bảo quản ngắn, doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch, xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh để giữ cho trái vải thiều có chất lượng ổn định trong quá trình vận chuyển, phân phối”. Quan tâm tới vấn đề chi phí, ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết: “Để mở rộng xuất khẩu nhãn, vải thiều nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam sang Malaysia, doanh nghiệp cần có biện pháp bảo quản sản phẩm để vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường”.
Để tiêu thụ tốt vải thiều và nhãn, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương làm việc với cơ quan hải quan mở một cửa khẩu riêng cho trái nhãn và vải thiều để thuận lợi cho thông quan, hạn chế thời gian chờ đợi do loại nông sản này rất khó bảo quản và nhanh hỏng.
VŨ DUNG