Trong 2 nhiệm kỳ trở lại đây, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn – Đội thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và phát huy quyền của trẻ em tham gia vào các vấn đề của trẻ em. Đặc biệt, giai đoạn năm 2018 – 2022, cùng với việc tổ chức các hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) quyền trẻ em và mô hình Hội đồng Trẻ em đã góp phần đáng kể trong quá trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn An Giang Hồ Thị Hồng Phướng cho biết, năm 2018, Tỉnh đoàn ký kết Kế hoạch phối hợp 19-KHPH/TĐTN-LĐTB&XH với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thành lập mô hình Hội đồng Trẻ em tỉnh. Hội đồng Đội tỉnh đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng thuyết trình; kỹ năng nắm bắt và phản ánh dư luận; kỹ năng tổ chức và sinh hoạt CLB quyền trẻ em; Luật Trẻ em năm 2016.
Từ năm 2019 đến nay, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 6 kỳ họp mô hình Hội đồng Trẻ em tại TP. Long Xuyên. Các kỳ họp thu hút hơn 800 lượt thiếu nhi là thành viên của Hội đồng Trẻ em và là thành viên nòng cốt của CLB quyền trẻ em cấp huyện, cán bộ chỉ huy Đội cấp huyện tham gia.
“Qua các phiên họp, có hơn 300 lượt ý kiến khác nhau liên quan đến các vấn đề về Luật Trẻ em, bạo lực học đường, văn hóa giao thông, các tệ nạn xã hội; các vấn đề liên quan đến tâm lý học đường, ứng xử với ông bà, cha mẹ; phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em. Đặc biệt, ở mỗi kỳ họp, có hơn 60% các ý kiến xoay quanh vấn đề xâm hại tình dục trẻ em” – bà Hồ Thị Hồng Phướng thông tin.
Việc triển khai mô hình Hội đồng Trẻ em mang lại những tín hiệu tích cực
Theo đánh giá của Tỉnh đoàn, mô hình Hội đồng Trẻ em mang đến những tác động tích cực. Mô hình góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Mô hình tạo cơ hội cho trẻ em phát huy quyền tham gia của mình, tạo nên sự bình đẳng và môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bản thân một cách tích cực, thẳng thắn, không còn e dè, ngại ngùng.
Ngoài ra, mô hình tạo môi trường để các em được tiếp cận các kiến thức, mở rộng mối liên hệ với bạn bè, thầy cô, hình thành thói quen nắm bắt các thông tin tình hình thời sự tại địa phương… Từ đó, giúp các em phát triển kỹ năng mềm, định hướng cho các em có tư duy logic để đề xuất, kiến nghị các giải pháp giải quyết vấn đề liên quan. Qua đó, góp phần giáo dục tinh thần trách nhiệm của các em với chính bản thân và cộng đồng xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện để thắt chặt mối liên hệ gắn kết giữa nhà trường, giáo viên, người phụ trách trong quá trình đồng hành với các em tham gia các hoạt động mô hình…
Bên cạnh những mặt tích cực của mô hình Hội đồng Trẻ em đạt được, vẫn còn một số mặt cần khắc phục, như: Việc tuyên truyền về hoạt động của mô hình Hội đồng Trẻ em ở cấp cơ sở còn hạn chế; quá trình hoạt động của các thành viên còn khó khăn do các em chưa hoàn thiện đầy đủ các kỹ năng thu thập thông tin; việc tổ chức hội họp, làm việc giữa các thành viên còn hạn chế do khoảng cách địa lý, thời gian học tập, sinh hoạt của các em còn khác nhau…
Thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền về hoạt động của mô hình ở cấp cơ sở, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền trên mạng xã hội. Thay đổi cách thức tổ chức hoạt động để ngày càng thu hút sự tham gia của các em.
Đặc biệt, đối với nội dung xâm hại trẻ em, cần triển khai nhiều hoạt động dành riêng, như: Tập huấn, trang bị kiến thức; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức xâm hại trẻ em; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu với chuyên gia tư vấn tâm lý… Từ đó, giúp các em có cơ hội trao đổi sâu hơn nội dung đang quan tâm.
ĐỨC TOÀN