Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang chứng kiến các công dân của mình bị buôn bán từ quốc gia thành viên này sang quốc gia thành viên khác.
Hai nghi phạm liên quan đến đường dây buôn bán người Indonesia sang Myanmar tại đơn vị điều tra tội phạm của cảnh sát ở Jakarta vào ngày 16/5. (Ảnh: Joanito De Saojoao) |
Theo Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, khối không ngồi yên song cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn thực trạng trên.
Năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký công ước có tính ràng buộc pháp lý chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Hội nghị cấp cao mới đây của khối tại Labuan Bajo kết thúc với tuyên bố của các nhà lãnh đạo về việc chống lại nạn buôn người, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc lạm dụng công nghệ.
Ông Kao Kim Hourn đánh giá, những văn bản trên cho thấy các nhà lãnh đạo ASEAN quan ngại sâu sắc về nạn buôn người.
Nhấn mạnh việc ASEAN cần giải quyết việc buôn bán người như một phần của tội phạm xuyên quốc gia, Tổng thư ký ASEAN khẳng định sự cần thiết của việc nhìn nhận ở góc độ khu vực để giải quyết vấn đề này một cách tập thể, hiệu quả hơn.
Tuyên bố chung tại Labuan Bajo nêu rõ, ASEAN cần có hành động cụ thể, xác định và giải quyết những lỗ hổng trong hệ thống cũng như hoàn thiện khung pháp lý liên quan tới tội phạm buôn bán người.
Theo ông Kao Kim Hourn, “điều quan trọng đối với việc thực thi pháp luật là phải có khung pháp lý phù hợp… Trong tương lai, họ sẽ làm việc cùng nhau trong việc chia sẻ thông tin… cũng như các thông lệ và kiến thức tốt nhất về cách thực sự giải quyết vấn đề này trong toàn bộ ASEAN”.
Indonesia, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, đã đề xuất nhiều sáng kiến nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán người ở khu vực.
Quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á cũng đang chứng kiến nhiều công dân của mình bị buôn bán sang các nước khác trong khu vực như Myanmar. Thủ phạm sẽ dụ dỗ nạn nhân bằng những lời mời về công việc được trả lương cao và sau đó buộc họ làm việc như những kẻ lừa đảo trên mạng.
Cách đây không lâu, cảnh sát Indonesia đã bắt được hai nghi phạm Andri Satria Nugraha và Anita Setia Dewi có liên quan đến đường dây buôn bán 20 người Indonesia sang Myanmar. Hai người này đã dụ dỗ 16 nạn nhân, và hiện cảnh sát đang truy lùng các mạng lưới buôn người có thể liên quan đến vụ án.
Cảnh sát hợp tác với cơ quan chống rửa tiền PPATK để theo dõi các giao dịch tài chính với hy vọng lần ra các hoạt động bất hợp pháp; thành lập một đội đặc nhiệm để chống lại vấn nạn này.