Chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sáng 8/6, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) đặt vấn đề, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023. Theo đó, giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể xem xét tăng theo lộ trình giá thị trường.
Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng nêu các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá?
Trả lời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết điều hành giá là nghệ thuật uyển chuyển trong điều kiện điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Việc điều hành phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa.
“Giải pháp điều hành giá phải uyển chuyển, căn cứ tín hiệu của thị trường, phải nắm bắt thị trường để có kịch bản điều hành. Ví dụ như với mặt hàng xăng dầu thì 10 tháng đầu năm tăng nhưng giữa tháng 9 lại giảm”, Phó Thủ tướng nói và cho biết phải nắm bắt thị trường, có giải pháp và kịch bản để điều hành.
Mục tiêu là phải đạt được như Quốc hội giao như năm 2022 là CPI đạt 4%, năm 2023 là khoảng 4,5%.
Theo Phó Thủ tướng, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung – cầu. Điều này Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, Phó Thủ tướng quán triệt với mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ để người dân hiểu được công tác hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp lạm phát, tăng giá mà không kiểm soát được.
“Đặc biệt, trong thời điểm tháng 7 là tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu, chúng tôi tính toán rất kỹ rồi, cũng không ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên chúng ta cũng phải hết sức quan tâm để kiểm soát giá, để cuối năm 2023 đạt được trong mức Quốc hội cho phép CPI không vượt quá 4,5%”, Phó Thủ tướng hồi âm đại biểu.