(TN&MT) – Cuối tuần qua, Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia sự kiện “Giờ Trái đất”năm 2023.
Với chủ đề “Thời khắc quan trọng cho Trái đất”, sự kiện năm nay nhấn mạnh cần thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất (từ 20h30 – 21h30) vào tối ngày 25/3, cả nước đã tiết kiệm 298.000kWh điện, tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng.
Năm 2023, chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam cũng đánh dấu hành trình 15 năm kết nối và lan tỏa. Hằng năm, 63/63 tỉnh, thành phố với hàng triệu người trên khắp lãnh thổ Việt Nam tham gia hưởng ứng Giờ Trái đất bằng những hành động cụ thể. Đây là sự kiện môi trường có sức lan tỏa nhất từ trước đến nay. Hành động tắt đèn tuy dễ dàng nhưng góp phần rất lớn vào nâng cao nhận thức cộng đồng vè thực hành tiết kiệm điện năng, giảm khí CO2, giảm thiểu các tác động của BĐKH cũng như hiệu ứng nhà kính.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, mỗi năm, Giờ Trái đất lại đưa ra một thông điệp khác nhau, song cùng chung một ý nghĩa là bảo vệ và gìn giữ trái đất xanh hơn. Thông điệp của chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam năm 2023 là “Tiết kiệm điện – Thành thói quen”. Đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 thực hiện Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy sản lượng điện tiết kiệm được trong 1 giờ hưởng ứng Giờ Trái đất không nhiều (trung bình khoảng 400.000kWh/năm) nhưng trên hết, ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở con số này, mà còn là sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Đại diện TP. Hà Nội – một trong những địa phương đầu tiên triển khai các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ năm 2009 đến nay, TP. Hà Nội vẫn liên tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để vận động, hướng dẫn nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, tạo thói quen theo hướng tích cực bảo vệ môi trường. Thành phố cũng chủ trương tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, nối tiếp sự kiện Giờ Trái đất, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức phát động chiến dịch cao điểm hè về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Sự kiện Giờ Trái đất diễn ra trong 1 giờ đồng hồ từ 20h30 đến 21h30 ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng ba hằng năm. Giờ Trái đất chỉ yêu cầu mọi người tắt đèn không cần thiết trong một giờ, không tắt các đèn có ảnh hưởng đến an toàn công cộng. Ý nghĩa lớn nhất của sự kiện nằm ở việc nhắc nhở cộng đồng hãy tiết kiệm điện bất cứ lúc nào có thể để bảo vệ Trái đất.
Logo của chương trình Giờ Trái đất được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt bởi số 60 là con số phút kêu gọi tắt điện. Hiện nay, logo của Giờ Trái đất được thêm dấu “+” sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa.
Theo đó, Hà Nội sẽ vận động các doanh nghiệp tham gia tiết giảm phụ tải góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh; vận động các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất, cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện, các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng trên địa bàn với mục tiêu tiết giảm điện cho tháng cao điểm hè năm 2023.
Các hoạt động tuyên truyền như: Tổ chức cuộc thi nhằm nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm an toàn và hiệu quả cho thế hệ trẻ Thủ đô; phong trào Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trên địa bàn TP. Hà Nội; vận động các hộ gia đình tham gia phong trào; vận động cải tạo hệ thống điện đảm bảo an toàn, tiết kiệm, mỹ quan và sử dụng một phần năng lượng tái tạo…
Cùng với Hà Nội, từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã hưởng ứng Giờ Trái đất bằng nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức các giải chạy; đạp xe diễu hành; giao lưu văn hóa nghệ thuật về chủ đề tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng; gặp gỡ giao lưu cùng Đại sứ Giờ Trái đất – Hoa hậu Đỗ Thị Hà; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023”…
Không chỉ đặt trọng tâm về vấn đề tiết kiệm điện, các hoạt động tuyên truyền cũng tập trung nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các mục tiêu của Việt Nam trong ứng phó BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chuyển đổi năng lượng bền vững từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo; các hoạt động bảo tồn loài động, thực vật hoang dã, bảo vệ môi trường sống tự nhiên…
Hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, Bộ TN&MT kêu gọi tất cả các bộ, ngành, địa phương cùng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết khác vào lúc 20h30 – 21h30 ngày 25/3. Đồng thời, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông – ngư nghiệp cho đến tiêu thụ tại hộ gia đình.
Toàn thể cộng đồng cần phải hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, BĐKH. Đây cũng chính là thông điệp của Liên hợp quốc, kêu gọi hành động trong Thập kỉ phục hồi hệ sinh thái (2021 – 2030). Việc giảm thiểu tác động suy thoái môi trường là điều kiện tiên quyết để tăng cường sức khỏe, sự đa dạng phong phú của các loài, quần thể và hệ sinh thái.