Nghiên cứu nói trên được dựa trên một cuộc thăm dò dư luận với 16.168 người ở Áo, Bulgaria, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển, theo tờ South China Morning Post đưa tin gần đây. Cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng 4.
Cuộc thăm dò cho thấy chỉ 23% số người được hỏi ở 11 quốc gia châu Âu muốn đứng về phía Mỹ, trong khi có tới 62% muốn giữ thái độ trung lập. Cuộc thăm dò là một phần trong nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho thấy nhiều công dân châu Âu (43%) tiếp tục coi Trung Quốc là đối tác cần thiết mà họ muốn hợp tác.
Mặt khác, nghiên cứu cho thấy ngày càng có nhiều người châu Âu ủng hộ trừng phạt Trung Quốc nếu nước này cung cấp vũ khí cho Nga ngay cả khi điều đó gây tổn hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế phương Tây, với 41% ủng hộ động thái như thế so với 33% phản đối.
Khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga đã được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) mô tả là “lằn ranh đỏ” và họ tiếp tục vận động hành lang để Trung Quốc không vận chuyển vũ khí cho quân đội Nga, theo South China Morning Post.
Những người được hỏi cũng cảnh giác với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu. Trong đó, đại đa số cho rằng việc các công ty Trung Quốc sở hữu các cảng, cầu, báo chí, đội bóng đá hoặc công ty công nghệ ở châu Âu là “không thể chấp nhận được”, và nhiều người không muốn các công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước họ.
Nghiên cứu trên được đưa ra trong bối cảnh đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về cách EU nên giao tiếp với Trung Quốc.
Tại Brussels (Bỉ), các nhà hoạch định chính sách đang tập hợp một chiến lược an ninh kinh tế, mà dự kiến sẽ được đề xuất vào ngày 20.6. Chiến lược này sẽ đề xuất các cách để nền kinh tế châu Âu rời xa Bắc Kinh ở những khu vực mà sự phụ thuộc đang gia tăng.
Chiến lược mới sẽ thúc đẩy những động thái đầu tiên của EU trong việc sàng lọc các khoản đầu tư của các công ty vào Trung Quốc, một động thái gây tranh cãi đã khiến những doanh nghiệp và một số quốc gia thành viên EU muốn tiếp tục thương mại một cách tự do nổi giận, theo South China Morning Post.