Một trong những bất lợi được nêu ra với HLV Philippe Troussier ở đợt tập trung các đội tuyển trong tháng 6, đó là tình trạng “vừa xay lúa vừa bế em”. Nhà cầm quân người Pháp đảm đương nhiệm vụ ở đội tuyển Việt Nam để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026, đồng thời phải dẫn dắt cả U.23 Việt Nam hướng tới vòng loại U.23 châu Á 2024.
Phụ trách cả hai đội tuyển quốc gia và U.23 là bài toán không mới với những HLV trước thời ông Troussier. Tuy nhiên, làm việc đồng thời với hai đội bóng, với đặc thù nhân sự, nhiệm vụ, mục tiêu khác nhau tại cùng một thời điểm vẫn là thử thách không nhỏ.
Đến lúc này, lựa chọn của HLV Troussier là trộn lẫn hai đội tuyển làm một. “Phù thủy trắng” khẳng định ranh giới giữa đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam chỉ tồn tại trên giấy tờ. Ông quyết định đồng nhất cả hai đội về mọi mặt, từ sân tập, lối chơi, ban huấn luyện đến các bài tập kỹ chiến thuật. Đội tuyển Việt Nam tập chung với U.23 Việt Nam, không có bất kỳ sự phân định nào về chuyên môn giữa hai đội bóng này.
Tham vọng của HLV Troussier rất rõ ràng. Với việc bố trí hai đội tập luyện cùng nhau trên cùng một “mặt phẳng”, chiến lược gia 68 tuổi cũng san phẳng luôn khoảng cách mục tiêu đề ra cho hai đội. Đội tuyển Việt Nam đang tập luyện để hướng tới World Cup 2026, và U.23 Việt Nam thực ra cũng vậy, nhưng trong vai trò cầu nối, đó là trở thành lực lượng dự phòng, sẵn sàng thay thế đàn anh bất cứ lúc nào. Tất cả đều đang ở cùng một vạch xuất phát. Cầu thủ nào quyết tâm hơn, đáp ứng yêu cầu tốt hơn sẽ được trọng dụng.
Việc hai đội tuyển chung nhau từ ban huấn luyện, khu sinh hoạt cho đến các bài tập chuyên môn cho thấy, ông Troussier muốn tạo cảm giác cho U.23 Việt Nam rằng các cầu thủ đủ sức, và đủ điều kiện để cạnh tranh sòng phẳng với các tuyển thủ quốc gia.
Đây là một mũi tên nhắm tới hai đích. Với đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ sẽ cảm nhận rõ ràng nhất áp lực cạnh tranh cùng sự tiến bộ từng ngày của lứa đàn em, nhờ vậy có thêm động lực đấu tranh để giữ vị trí. Còn với U.23 Việt Nam, việc tập luyện, học hỏi từng ngày ở các đàn anh là bài học quý giá, bởi vốn dĩ các cầu thủ trẻ của ông Troussier không thường xuyên được thi đấu ở V-League, và chẳng phải lúc nào cũng được cọ xát trực tiếp với các đàn anh giàu kinh nghiệm hơn.
HLV Troussier cũng sàng lọc cầu thủ theo cách dị biệt, đó là trộn lẫn quân số 58 cầu thủ của cả hai đội tuyển để đánh giá, rồi chọn ra hai nhóm. Nhóm 1 sẽ tham gia trận đấu với đội tuyển Hồng Kông, còn nhóm 2 giao hữu với CLB Công an Hà Nội và CLB Hải Phòng. Sau đó, căn cứ trên màn trình diễn của cầu thủ, ông Troussier sẽ xáo trộn con người giữa hai nhóm, rồi lại chọn ra nhóm cầu thủ tối ưu cho trận gặp đội tuyển Syria.
So với kế hoạch ban đầu là đội tuyển Việt Nam giao hữu với Hồng Kông, Syria còn U.23 Việt Nam giao hữu với 2 đội V-League, việc HLV người Pháp chia nhóm 1 và 2 dựa trên tất cả các tuyển thủ sẽ tạo ra bầu không khí cạnh tranh căng thẳng và gay gắt hơn. Ở đó, các tài năng U.23 Việt Nam thể hiện tốt có thể được cất nhắc vào nhóm 1 để sát cánh cùng đàn anh, ngược lại những cầu thủ dù khoác áo đội tuyển Việt Nam, nhưng nếu không nỗ lực hoàn toàn có thể bị “chuyển nhóm”.
Thay vì khu biệt đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam bằng các giáo án khác nhau, phục vụ cho các giải đấu khác nhau, HLV Troussier đang nhào nặn những cầu thủ ưng ý nhất trong một guồng máy chung. Nhờ vậy, “Phù thủy trắng” có thể tạo ra lực lượng cầu thủ tinh nhuệ, cạnh tranh và thấm nhuần triết lý ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ đó chọn ra đội ngũ tốt nhất để hướng tới mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Trên lý thuyết, việc huấn luyện để hướng tới cái chung rồi mới tới cái riêng là nước cờ đúng đắn. Dù vậy, thực hiện được đến đâu, còn phụ thuộc vào chất lượng và nỗ lực của cá nhân từng cầu thủ, cũng như sự kiên định của HLV Troussier vào triết lý chơi bóng. Bởi với áp lực thành tích ở mỗi giải đấu đều ở mức cao, bất kỳ sự chệch choạc nào cũng có thể đe dọa kế hoạch tổng thể của các đội tuyển.
Do đó, việc thận trọng và kỹ lưỡng ngay từ khâu chuẩn bị là bước đệm tốt để HLV Troussier tiếp tục tính toán, ít nhất cho tương lai 6 tháng tới.