Tham dự Hội nghị, phía đầu cầu Hà Nội có ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện Ngân hàng Thế giới, cùng lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, năm 2023 là Năm dữ liệu số quốc gia ở Việt Nam. Đây hội nghị lần đầu tiên được tổ chức sẽ tập trung trao đổi, nhận định về vai trò của dữ liệu mở và xu thế phát triển Trí tuệ nhân tạo trên thế giới, từ đó xác định các thách thức, đề ra các hành động cụ thể để phát triển dữ liệu mở, đẩy nhanh phát triển và ứng dụng AI tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Thứ trưởng khẳng định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về tăng cường khả năng phát triển và ứng dụng công nghệ của Việt Nam. Đặc biệt ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và đẩy mạnh việc kết nối, chia sẽ dữ liệu mở, cụ thể như: Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến 2030.
Tại Thừa Thiên Huế, trong những năm gần đây, tỉnh luôn coi việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính phủ số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương thông tin, năm 2018, Thừa Thiên Huế đã xây dựng và công bố Hệ thống dữ liệu mở của tỉnh. Hệ thống này được xây dựng và vận hành trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Để quy định chi tiết trách nhiệm quản lý, vận hành, cập nhật dữ liệu, khai thác dữ liệu của các cơ quan, ban, ngành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên Hệ thống dữ liệu mở tỉnh đồng thời ban hành Kế hoạch cung cấp dữ liệu mở trong cơ quan nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2025.
Theo ông Phan Quý Phương, hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế đã đem lại cho địa phương rất nhiều lợi ích như: Giúp tập hợp, quản lý dữ liệu một cách khoa học và hiện đại; hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các chỉ số kinh tế – xã hội; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; phát triển kinh tế và khoa học – công nghệ; hỗ trợ cho việc phát triển chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân, tổ chức, doanh nghiệp… vào các hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương.
Đối với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngay sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 16/4/2021 để triển khai thực hiện, cụ thể như: triển khai Bản đồ số, báo cáo số phục vụ theo dõi thông tin, dữ liệu, phân tích, đánh giá hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của UBND Tỉnh; triển khai Camera trí tuệ nhân tạo giám sát, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, an toàn các sự kiện; theo dõi nhiệt độ thân người, giám sát phương tiện vào ra tỉnh trong công tác phòng chống dịch COVID-19…. Đặc biệt, trong đợi dịch COVID-19, hệ thống camera áp dụng trí tuệ nhân tạo tại Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh đã giám sát được hơn 3 triệu lượt phương tiện ra vào tỉnh, phát hiện và chuyển các đơn vị tuần tra, kiểm soát xử lý gần 16 ngàn lượt phương tiện vi phạm phòng chống dịch, 4.500 lượt phương tiện vi phạm an toàn giao thông… góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Chính nhờ những kết quả tích cực đó mà trong những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn được Chính phủ, Bộ TT&TT đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong việc phát triển CNTT, chuyển đổi số.
Chia sẻ tại toạ đàm “Cơ hội và thách thức mở và chia sẻ dữ liệu tại địa phương” trong khuôn khổ hội nghị, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Dương Anh cho biết, tại Thừa Thiên Huế, hệ thống dữ liệu mở đã và đang đóng góp vào việc phát triển KT-XH của tỉnh, điển hình như dữ liệu bản đồ số địa chính, thông tin quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã được mở để xây dựng thành module Quy hoạch đất đai tích hợp trên nền tảng chuyển đổi số Hue-S cuả tỉnh; dữ liệu mở liên quan đến cá nhân, gia đình học sinh đã được tích hợp Giáo dục trên Hue-S; dữ liệu mở liên quan đến tin tức, sự kiện địa phương được sử dụng, xây dựng thàn module Thông tin cảnh báo, tiếp cận thông tin chính thống… và rất nhiều sản phẩm khai thác dữ liệu mở hiệu quả tại tỉnh.
Tại Hội nghị, các diễn giả đã chia sẻ về tác động của dữ liệu mở tới tăng trưởng kinh tế; xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong triển khai, đánh giá, đo lường dữ liệu mở; Thảo luận về chính sách, cơ hội và thách thức dữ liệu mở ở các địa phương tại Việt Nam; Trao đổi về các hiểu biết trong việc tối đa hóa giá trị của dữ liệu mở nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư phục vụ phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam. Hội nghị đã bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về các nội dung để cùng nhau hành động nhằm phát triển dữ liệu mở và nâng cao năng lực ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam,
Trong khuôn khổ Hội nghị, Cục Chuyển đổi số quốc gia đã chia sẻ về Kế hoạch hành động năm Dữ liệu số quốc gia, bao gồm một số nội dung trọng tâm thúc đẩy dữ liệu mở; phát triển phiên bản mới Cổng dữ liệu mở quốc gia data.gov.vn; xây dựng Sổ tay hướng dẫn phát triển dữ liệu mở và ra mắt Câu lạc bộ Dữ liệu mở trực thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.