Cho đồng nghiệp cũ vay 10 triệu đồng nhưng suốt 5 năm chị Thanh Hằng gọi, nhắn tin rồi đến nhà đòi không được, còn bị mắng ngược là “nhà giàu mà ác”.
Từ lần đó, chị Thanh Hằng (34 tuổi, ở Mỹ Đình, Hà Nội) xem như mất khoản tiền cho mượn và mất một người bạn. “Đúng như người ta nói”đứng cho vay, quỳ đòi nợ“”, chị nói.
Năm 2010, vừa lấy lương hơn 15 triệu đồng, chị Hằng nhận được cuộc gọi của người bạn thân nhất công ty cũ, giọng hoảng hốt nói bố phải cấp cứu nên rất cần tiền đóng viện phí. Người này vay 10 triệu đồng, hứa cuối tháng trả. Khoản vay hết 2/3 lương trong khi con cũng đang ốm nhưng thương bạn, chị Hằng đưa tiền ngay.
Một tháng, hai tháng vẫn không thấy người vay có tín hiệu trả nợ, tháng thứ ba, chị Thanh Hằng gọi điện đòi, bạn nói vẫn chưa có tiền. Đến công ty làm việc, chị mới biết bạn thân là con nợ của hầu hết đồng nghiệp. “Mọi người nhắn tin, gọi điện cho cô ấy không được lại nhờ tôi đòi hộ vì biết chúng tôi từng rất thân”, Thanh Hằng nói.
Những lần con ốm phải đi viện, có việc đột xuất, chị đều nghĩ đến khoản nợ kia, nhưng “nhắn tin trình bày hoàn cảnh đủ kiểu” đòi nợ, tiền vẫn không về.
Một lần, muốn dứt điểm, chị Thanh Hằng đến thẳng nhà trọ của bạn đòi. Ban đầu người này còn trình bày lý do. Khi thấy chủ nợ dứt khoát đòi trả lời cụ thể thời gian có thể trả, người bạn trách chị “giàu mà ác, đòi nợ giữa lúc người ta khó khăn”.
Hàng xóm thấy ồn ào mới nói Hằng biết, không phải bố ốm mà do chồng bạn cá độ thua lỗ nên mới đẩy vợ con vào cảnh vay không thể trả.
Ảnh minh họa: P.N
Cho người thân vay, đến khi đòi được nợ “cục tiết kiệm” của Trung Anh ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa cũng rơi rụng gần hết.
Bốn năm trước, anh cho chị họ vay 100 triệu đồng làm nhà, giao kèo cuối năm trả. Nhưng chị họ khất lần với lý do làm ăn khó khăn nên chưa thể thanh toán đúng hẹn. Nhiều lần muốn sửa lại ngôi nhà đang ở, vợ anh Trung Anh đều đến nhà chị họ xin trả nợ nhưng không được. “Vợ con ở cái nhà rách mà mang tiền cho người ta xây nhà lầu”, vợ anh hay càm ràm.
Điều khiến vợ chồng anh khó chịu là gia đình chị họ không khó khăn như trình bày. Họ vẫn thi thoảng sắm thêm nội thất, mua xe máy tay ga, ngày nào cũng ăn ngon, mặc đẹp. Đến khi Trung Anh làm căng, yêu cầu nếu không trả nợ sẽ phải chịu lãi, người chị mới bắt đầu hoàn tiền từng đợt, khi 3 triệu, khi 5 triệu.
Hơn hai năm sau, Trung Anh lấy được đủ 100 triệu đồng, nhưng cũng tiêu gần hết. “Hết nợ thì chị em gặp nhau cũng không buồn chào”, anh Trung Anh nói.
Ở Việt Nam chưa có khảo sát nào về những rắc rối khi cho người thân, quen vay nợ, nhưng chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng tình trạng này rất phổ biến. “Đặc tính của người Việt Nam là cả nể, trọng tình nên rất hay giúp đỡ người thân quen bằng cách cho vay mượn nhưng không giấy tờ, thủ tục dẫn đến khó đòi nếu người vay chây ì”, ông Khánh nói.
Theo khảo sát của CreditCards.com, năm 2022, 59% cho biết cho người trong gia đình hoặc bạn bè vay tiền là một trải nghiệm tiêu cực. Khoảng 42% bị mất tiền vì cho vay không thể đòi lại được, 26% cho biết mối quan hệ với người vay bị ảnh hưởng tiêu cực và 9% cho hay có “động tay chân” với nhau vì việc này.
Trong cuộc khảo sát của hãng tài chính Lendingtree (Mỹ), hơn 1/3 số người vay và người cho vay đã chia sẻ cảm xúc còn lại sau mỗi lần vay hoặc cho vay là tiêu cực, bao gồm sự oán giận và cảm giác bị tổn thương.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay đã tư vấn pháp lý cho gần 100 trường hợp cho người thân, quen vay tiền không thể đòi. “Không chỉ mất tiền, mất thời gian và mua phiền phức, nhiều gia đình còn rơi vào mâu thuẫn chỉ vì cho vay khoản lớn mà không bàn bạc hay thông báo với bạn đời”, ông Hồng Thái cho hay.
Vợ chồng chị Thu Nga (32 tuổi, ở Hà Nam) suýt đệ đơn ra tòa chỉ vì mâu thuẫn khi cho người thân vay tiền. Anh Đức Tú, chồng chị Nga đi làm được bao nhiêu đều chuyển cho vợ tiết kiệm. Hai năm trước, người chị gái thất bại trong kinh doanh do dịch bệnh nên hỏi vay tiền em. Nga cho vay 200 triệu đồng, không bàn bạc với chồng. “Chị ấy hứa cuối năm trả nên tôi không nghĩ gì. Lúc hỏi chị nói”cuối năm là cuối năm sau nữa“”, chị kể.
Năm ngoái, anh Đức Tú muốn mở công ty riêng làm ăn nên bảo vợ đưa tiền tiết kiệm. Đòi nợ không được, chị Nga âm thầm đi vay khắp nơi để đưa tiền cho chồng, sợ anh trách không thành thật. Không ngờ, những người Nga cho vay lại đều là người nhà, quay lại hỏi ngược anh Tú lý do. Thấy hai vợ chồng người vay, người không biết gì, người quen không dám chuyển tiền cho Nga nữa.
Bực bội khi tiến độ đầu tư bị gián đoạn, vợ lại không thành thật, anh Tú tỏ ra hằn học: “Tôi không biết cô còn lén lút gì cho nhà ngoại nữa”. Mâu thuẫn của hai vợ chồng cứ thế leo thang. Chứng kiến hạnh phúc của em gái có nguy cơ đổ vỡ, nhưng người chị vẫn chưa có ý định trả nợ vì không biết xoay đâu ra tiền.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái tư vấn, với những người cho vay nợ chưa thể đòi lại, hãy thu thập nhiều bằng chứng nhất có thể chứng minh đã cho mượn tiền, nhờ pháp luật can thiệp khi có thể.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đề xuất với số tiền lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống thì phải thu thập bằng chứng để tìm cách đòi lại. Nếu số tiền nhỏ nên xếp người vay vào nhóm nợ xấu, không nói cho họ biết, nhưng phải chấp nhận có thể sẽ không đòi được tiền nữa.
“Với người đó tuyệt đối không nên cho vay lần nữa”, ông nói. Chuyên gia cũng khuyên nên xem xét lại mối quan hệ với những người vay không trả, vì được giúp đỡ cho vay mượn nhưng thất hứa thường là người không đàng hoàng.
Theo ông Phan Dũng Khánh, trong mọi trường hợp, không nên cho bất kỳ ai vay tiền nếu không cầm được gì đó làm tin như tài sản hay giấy vay nợ được công chứng. “Với những người quá thân thiết nhưng uy tín thấp, khó lòng từ chối thì thà cho luôn một khoản tiền nhỏ còn hơn cho vay khoản lớn”, ông nói.
Trong trường hợp muốn giúp đỡ người khác, người cho vay nên thực hiện các hành động giống ngân hàng như phải thẩm định khả năng trả nợ và chuẩn bị các thủ tục pháp lý đầy đủ khi cho vay, tránh kiểu vay mượn bằng miệng, làm mất cả tiền lẫn tình cảm.
“Hãy kể câu chuyện từng bị quỵt nợ để lấy cớ làm thủ tục ký cho vay, như vậy ít ảnh hưởng tình cảm mà người vay cũng hiểu muốn cầm tiền phải hoàn thành nghĩa vụ”, ông Khánh nói.
“Là người thân quen càng cần rõ ràng, minh bạch với nhau. Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”, chuyên gia lưu ý.
Ngậm trái đắng vì vừa mất tiền, vừa mang tiếng ác, nhưng khi có người quen thân vay tiền, nếu có, chị Thanh Hằng vẫn sẵn lòng giúp đỡ. “Tôi luôn nghĩ người ta khó quá mới phải vay mượn. Tất nhiên tôi chọn lọc và cân nhắc hơn”, chị nói. Đến nay, ngoài cô đồng nghiệp cũ, chị chưa từng bị quỵt nợ thêm lần nữa.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Theo VNE