Cuộc tập trận Air Defender 23 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quy tụ 25 quốc gia, do Đức dẫn đầu, theo báo The Wall Street Journal (WSJ). Gần 250 máy bay – bao gồm oanh tạc cơ B-1, tiêm kích F-35 và các loại máy bay không người lái (UAV) tầm xa – sẽ được triển khai cùng hơn 10.000 binh sĩ đến từ các nước, kể cả những nơi xa xôi như Nhật Bản, với khoảng 2.000 chuyến bay dự kiến cất cánh.
Những bài học rút ra từ cuộc tập trận sẽ giúp lực lượng không quân các nước NATO triển khai tốt hơn ở châu Âu cũng như những nơi khác để bảo vệ các đối tác như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh vị thế của NATO với tư cách một liên minh phòng thủ đã được nâng lên sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào năm ngoái, dẫn đến cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2. Căng thẳng Đông – Tây mới đang lan rộng trên toàn cầu, với các cuộc tập trận chung của Trung Quốc và Nga trong tuần này khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Á lo lắng.
Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia Mỹ (ANG) sẽ đóng góp 100 máy bay và 2.600 binh sĩ từ 42 tiểu bang. Không gian cuộc tập trận sẽ trải dài từ Mỹ sang Đức đến biên giới với Nga ở vùng Baltic và xung quanh biển Đen, trong thời gian từ ngày 12 đến ngày 23.6.
Bằng cách dẫn đầu cuộc tập trận – được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 sau khi Nga sáp nhập Crimea 4 năm trước đó – Đức đang tìm cách nâng cao vị thế quân sự của nước này. Xung đột ở Ukraine đã thuyết phục Berlin đảo ngược chính sách sau hàng thập niên ít chú trọng các lực lượng vũ trang của mình.
“Đức cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn và đôi khi phải đi đầu trong số các quốc gia NATO ở châu Âu… và chúng tôi chứng minh rằng chúng tôi có khả năng làm điều đó trong cuộc tập trận này”, tướng Ingo Gerhartz, tư lệnh Không quân Đức, nói với tờ WSJ. Ông cũng tuyên bố: “Chúng tôi muốn nói rằng lãnh thổ NATO này là lằn ranh đỏ của chúng tôi”.
Cuộc tập trận Air Defender sẽ thực hành việc triển khai hàng loạt quân nhân và khí tài từ Mỹ đến châu Âu để đối phó với các tình huống khác nhau trong kịch bản Nga tấn công các thành viên NATO.
Tình huống chủ đạo liên quan đến việc kẻ thù chiếm được cảng Rostock của Đức trong một cuộc tấn công, và việc này sẽ kích hoạt điều khoản phòng thủ chung của NATO, được gọi là Điều 5. Phản ứng sẽ bao gồm việc chiếm lại cảng và cơ sở hạ tầng khác, cũng như bảo vệ các thành phố và chuyển sang hành động tấn công.
Một phần không phận của Đức sẽ bị đóng đối với các chuyến bay dân sự trong thời gian ngắn. Cuộc tập trận cũng sẽ mở rộng sang sườn phía đông của NATO trên bầu trời các quốc gia như Lithuania và Romania, cũng như Ba Lan và Cộng hòa Czech.
Các lực lượng không quân cũng sẽ thực hành lấp đầy lỗ hổng trong an ninh châu Âu do thiếu khả năng phòng thủ trên không. Theo đó, họ sẽ mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga, đồng thời triển khai chiến đấu cơ để chống lại chúng. Đức, quốc gia đông dân nhất châu Âu, có 11 hệ thống phòng không Patriot, trong đó có 2 hệ thống cho Ba Lan mượn và một số đang được bảo trì.