Xung đột giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) khiến hàng trăm người thiệt mạng thời gian qua cho thấy sự tương tác phức tạp giữa các thế lực trong nước với bên ngoài. Đây chính là những nhân tố khiến cuộc xung đột ngày càng leo thang, lệnh ngừng bắn liên tục bị phá vỡ bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, lãnh đạo Lực lượng hỗ trợ nhanh (trái) và tướng Abdel Fattah Burhan, lãnh đạo quân đội Sudan (Nguồn: Arab News) |
Kể từ khi cựu Tổng thống Sudan Omar al Bashir bị phế truất năm 2019, các chủ thể trong khu vực, bao gồm Ai Cập, UAE, Saudi Arabia và Israel đã can dự sâu tại Sudan. Sự ủng hộ của các nước này đối với phe tham chiến đã làm trầm trọng thêm tình hình, thúc đẩy xung đột và dẫn đến tình trạng hỗn loạn hiện nay.
Mối thù giữa hai vị tướng
Khoảng trống quyền lực bắt nguồn từ 30 năm cầm quyền của Tổng thống al-Bashir đã tạo cơ hội vàng cho hai vị tướng tranh giành quyền lực và khẳng định ảnh hưởng. Ban đầu, họ liên minh chống lại chính phủ dân sự của cựu Tổng thống Abdalla Hamdok, xuất phát từ thoả thuận chia sẻ quyền lực tháng 8/2019 giữa quân đội và lực lượng dân sự của đất nước. Tháng 10/2021, họ tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Hamdok và lên nắm quyền, đột ngột kết thúc quá trình chuyển tiếp ngắn ngủi sau hai năm, sau khi phế truất ông al-Bashir.
Kể từ đó, sự chia rẽ và bất đồng giữa al-Burhan và Hemedti đã gia tăng đáng kể. Hemedti đổ lỗi cho al-Burhan về tình trạng suy thoái kinh tế và an ninh ở Sudan. Căng thẳng giữa hai bên lên đến đỉnh điểm sau khi ký kết thoả thuận khung vào tháng 12 năm ngoái. Thoả thuận này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội rút lui khỏi chính trị và chuyển giao quyền lực cho dân sự. Thoả thuận này cũng nhằm mục đích sáp nhập RSF vào lực lượng quân đội dưới sự chỉ huy của Burhan. Một kế hoạch nhạy cảm khiến sự bất đồng giữa hai bên càng được khoét sâu.
Trong vài tháng qua, cả hai phe đã tìm cách tận dụng các điều khoản của thoả thuận để thúc đẩy lợi ích của mình và đạt được các chương trình nghị sự. Al Burhan đã đẩy nhanh quá trình sáp nhập RSF vào quân đội, một động thái có thể làm giảm ảnh hưởng của đối thủ Hemedti, người đã nhấn mạnh sự chuyển giao quyền lực cho dân thường nhằm hạn chế quyền lực của al Burhan với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp (TSC).
Trong nỗ lực biến sự bất đồng với al Burhan thành một cuộc đấu tranh cho dân chủ chứ không phải là một cuộc tranh giành quyền lực, Hemedti đã thành lập một liên minh với Lực lượng tự do và thay đổi (FFC) – một liên minh dân sự chủ chốt đã lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại cựu Tổng thống al Bashir.
Tướng Hemedti cũng đã thông qua các yêu cầu của FFC về việc chuyển giao quyền lực cho dân sự và quân đội Sudan quay trở lại doanh trại để loại bỏ al-Burhan. Qua thời gian, sự ngờ vực giữa hai vị tướng trở nên sâu sắc và không thể hàn gắn.
TIN LIÊN QUAN | |
Sudan: Quân đội đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 7 ngày; Tổ chức Hợp tác Hồi giáo họp khẩn |
Yếu tố khu vực
Giống như các cuộc xung đột khác ở Trung Đông Bắc Phi, các tác nhân bên ngoài như Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Israel đóng vai trò quan trọng trong việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Sudan.
Ai Cập áp dụng một chính sách “thiếu sót và thiển cận” với Sudan, góp phần rất lớn vào tranh chấp đang diễn ra giữa al Burhan và Hemedti. Sau khi loại bỏ al-Bashir, chế độ của Tổng thống Ai Cập el Sisi đã quyết tâm ngăn chặn một chính phủ dân sự, chưa nói đến một chính phủ dân chủ tại Sudan.
Đối với Tổng thống Sisi, đây được coi là mối đe doạ hiện hữu đối với sự tồn vong của chế độ. Do đó, Cairo đã ủng hộ phe quân sự do al-Burhan và Hemedti lãnh đạo nhằm làm suy yếu chính phủ dân sự. Hơn nữa, Cairo khuyến khích cuộc đảo chính chống lại chính phủ của Hamdok, kết thúc thời kỳ chuyển tiếp và mở đường cho các cuộc xung đột hiện tại.
Các tác nhân bên ngoài như Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Israel đóng vai trò quan trọng trong việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Sudan (Nguồn: premiumtimesng.com) |
Chính sách của Ai Cập đối với Sudan được định hướng qua ba mục tiêu chính. Thứ nhất, Ai Cập tìm cách củng cố quyền cai trị của quân đội ở Sudan để có thể kiểm soát và điều khiển theo hướng có lợi cho Ai Cập.
Thứ hai, Ai Cập đảm bảo rằng Sudan không theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập có thể ảnh hưởng đến lợi ích của mình, đặc biệt liên quan đến đập thủy điện Đại phục hưng (GERD), vốn là mối quan tâm lớn đối với Cairo.
Thứ ba, Tổng thống Sisi muốn ngăn chặn Sudan thất bại, dẫn đến những thách thức về chính trị, địa chiến lược, kinh tế và nhân đạo quan trọng đối với Ai Cập, đặc biệt là khi nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Chiến lược của Ai Cập tại Sudan đã đem lại điều hoàn toàn ngược lại với những lợi ích này. Bằng cách ủng hộ chế độ quân sự tại Sudan, Ai Cập gây chia rẽ và bất đồng không chỉ giữa các lực lượng quân sự và dân sự mà còn giữa quân đội và RSF. Ai Cập tìm cách tạo ra một quá trình song song với thoả thuận khung nhằm gieo rắc bất hoà và chia rẽ giữa các phe phái chính trị ở Sudan.
Khi rạn nứt giữa al Burhan và Hemedti trở nên rõ ràng, Ai Cập đã đứng về phía al Burhan thay vì đóng vai trò hoà giải. Tổng thống Sisi tin rằng, al Burhan là một đối tác tin cậy hơn và sẽ duy trì lợi ích của Ai Cập. Ngược lại, Hemedti có mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh bên ngoài, khiến Cairo nghi ngại nhiều hơn. Sự ủng hộ của Ai Cập dành cho al Burhan là nguyên nhanh chính dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
Nhiều báo cáo nhấn mạnh rằng Ai Cập đã cung cấp máy bay chiến đấu và phi công để hỗ trợ SAF trong cuộc xung đột chống lại RSF. Khi bắt đầu chiến tranh, RSF đã bắt được 27 binh sĩ Ai Cập đang đóng quân tại căn cứ không quân Merowe ở Sudan và nhiều người ở những nơi khác.
Bất chấp mối quan hệ lịch sử và địa lý lâu đời của hai nước, Ai Cập đã giảm ảnh hưởng tại Sudan trong những năm gần đây. Điều này được phản ánh trong việc Ai Cập bị loại khỏi nhóm Bộ tứ – bao gồm Mỹ, Anh, Saudi Arabia và UAE – được giao nhiệm vụ giám sát quá trình chuyển đổi của Sudan. Việc Ai Cập tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh trong khu vực như UAE giúp đảm bảo việc thả những người lính bị RSF bắt giữ là một dấu hiệu rõ ràng cho thực tế này.
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Sudan: Thêm nước chuẩn bị sơ tán công dân, tín hiệu đình chiến xuất hiện? |
Vai trò của Vùng Vịnh
Trong thập kỷ qua, các quốc gia Arab Vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia và UAE đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề của Sudan. Các quốc gia này đã xây dựng mối quan hệ bền chặt với chế độ cũ của Omar al Bashir, hỗ trợ chế độ này giải quyết các thách thức trong thời điểm đó. Để đổi lấy hàng tỷ USD dưới hình thức tài trợ, cho vay và đầu tư, al Bashir đã cung cấp hỗ trợ quân sự và gửi quân đến hỗ trợ chiến dịch của hai nước chống lại lực lượng Houthis ở Yemen năm 2015.
Hơn nữa, chế độ của al Bashir đã liên kết với Saudi Arabia chống lại và cắt đứt quan hệ với Iran năm 2016. Những động thái này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Sudan, vốn được đặc trưng bởi mối quan hệ thân thiết với Iran.
Sau cuộc nổi dậy năm 2019 loại bỏ al Bashir, UAE và Saudi Arabia đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo của SAF và RSF. Lo sợ về khả năng lan rộng của các phong trào dân chủ trong khu vực, hai quốc gia, với nguồn tài chính dồi dào của mình, đã hỗ trợ quân đội Sudan ngăn chặn việc thiết lập chế độ dân sự và dân chủ. Giống như Ai Cập, cả hai nước đều tán thành cuộc đảo chính chống lại chính phủ dân sự do Hamdok lãnh đạo vào năm 2021, bất chấp sự lên án của quốc tế và những lời kêu gọi phục chức cho ông.
Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều có những lợi ích khác nhau và đôi khi xung đột nhau ở Sudan. Do đó, họ có xu hướng ủng hộ các bên khác nhau trong cuộc xung đột hiện tại. Saudi Arabia có mối quan hệ lâu dài và bền chặt với al Burhan, trong khi UAE đã đầu tư rất nhiều vào Hemedti trong những năm qua.
Khói bốc lên trên các tòa nhà trong cuộc đụng độ giữa RSF và quân đội chính phủ ở Khartoum (Nguồn: Reuters) |
Sự hỗ trợ của Saudi Arabia cho SAF và al-Burhan được thúc đẩy bởi một số mục tiêu. Thứ nhất, Saudi Arabia tìm cách bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đỏ khỏi các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng trong khu vực và quốc tế như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, UAE và Nga. Điều này bao gồm đảm bảo các tuyến đường biển, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Thứ hai, việc Saudi Arabia tập trung vào an ninh Biển Đỏ là một phần không thể thiếu trong Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman, nhằm mục đích đa dạng hoá nền kinh tế Saudi Arabia và định vị nước này như một trung tâm toàn cầu về thương mại, đổi mới và du lịch.
Thứ ba, Saudi Arabia tìm cách bảo vệ các khoản đầu tư kinh tế và tài chính của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau ở Sudan, bao gồm nông nghiệp, năng lượng, nước, vệ sinh, giao thông vận tải và viễn thông. Cho rằng Sudan có tiềm năng tăng trưởng và phát triển đáng kể trong các lĩnh vực này, Saudi Arabia xem các khoản đầu tư của mình vào các lĩnh vực này là rất quan trọng đối với lợi ích kinh tế của Sudan và của chính mình.
Cuối cùng, Saudi Arabia quan tâm đến việc nâng cao vai trò mới nổi của mình với tư cách là một cường quốc khu vực và khẳng định vị thế của Thái tư với tư cách là một nhà lãnh đạo khu vực mới. Những ngày qua, Saudi Arabia đã tạp điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các phe đói lập ở Sudan với sự hỗ trợ của Mỹ. Mục tiêu của các cuộc đàm phán này là đảm bảo một lệnh ngừng bắn lâu dài, có thể tạo ra một con đường cho các cuộc đàm phán chính trị và cuối cùng là chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra. Dù kết quả của những cuộc đàm phán này thế nào, chúng sẽ tiết lộ mức độ ảnh hưởng của Saudi Arabia ở Sudan.
Trong khi đó, UAE đã xây dựng mối quan hệ bền chặt với Hemedti trong những năm gần đây, công nhận ông là đồng minh chủ chốt có thể thúc đẩy các lợi ích đa dạng của mình ở Sudan và khu vực rộng lớn hơn. Thứ nhất, UAE đang tìm cách xóa bỏ tàn dư của chế độ Sudan trước đây, đặc biệt là những người Hồi giáo mà họ coi là trong nước, khu vực và toàn cầu. Hemedti đã khéo léo định vị mình cùng với Abu Dhabi để chống lại những người Hồi giáo ở Sudan và hơn thế nữa. Hemedti đã định hình cuộc tranh chấp như một cuộc chiến chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan, những người muốn Sudan bị cô lập và chìm trong bóng tối, xa rời nền dân chủ”. Đây cũng là ngôn ngữ được các nhà lãnh đạo Arab sử dụng để mô tả các đối thủ.
Thứ hai, UAE đang hướng tới việc bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình ở Biển Đỏ và vùng Sừng Châu Phi. Tháng 12/2022, UAE đã ký một thoả thuận đầu tư trị giá 6 tỷ USD với Sudan để xây dựng một cảng mới trên bờ Biển Đỏ.
Thứ ba, UAE đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Sudan để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực. Tháng 6 năm ngoái, hai quốc gia đã ký kết một biên bản ghi nhớ về một sáng kiến nông nghiệp liên quan đến cảng mới trên Biển Đỏ.
UAE coi Hemedti là đối tác không thể thiếu trong việc đạt được những mục tiêu này nên đã mở rộng hỗ trợ tài chính, chính trị và quân sự cho Hemedti trong vài năm qua. Theo các báo cáo, UAE đã cung cấp cho Hemedti một nền tảng để quản lý tài chính và đề nghị hỗ trợ quan hệ công chúng cho RSF. Hơn nữa, tướng Khalifa Haftar, đồng minh lớn của UAE được cho là đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho RSF.
Có báo cáo đã chỉ ra rằng, Haftar đã gửi nhiên liệu, vũ khí và các nguồn lực khác để hỗ trợ Hemedti chống lại al-Burhan. Liên minh giữa UAE, Haftar và Hemedti là một khía cạnh quan trọng trong bối cảnh an ninh và địa chính trị ở Sudan và Bắc Phi trong vài năm.
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Sudan: Mỹ cân nhắc trừng phạt thích hợp, Liên hợp quốc nhờ sự chung tay quốc tế |
Israel tham gia vào cuộc khủng hoảng của Sudan
Kể từ khi chiến sự nổ ra tại Sudan, Israel đã lo ngại sâu sắc về tác động đến hy vọng bình thường hoá quan hệ. Năm 2020, hai nước đã đồng ý bình thường hoá quan hệ nhưng chưa ký một hiệp ước toàn diện để hoàn tất quá trình bình thường hoá.
Trên thực tế, Israel coi trọng lợi ích của mình ở Sudan vì một số lý do. Tel Aviv coi việc đảm bảo một hiệp ước hoà bình với Sudan là rất quan trọng để mở rộng Hiệp định Abraham và bình thường hoá quan hệ với các quốc gia Arap khác. Bình thường hoá quan hệ như vậy sẽ củng cố ảnh hưởng của Israel tại các quốc gia châu Phi cận Sahara, những quốc gia mà Israel đã thiết lập mối quan hệ bền chặt trong vài thập kỷ qua. Hơn nữa Israel sẽ được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên dồi dào của Sudan.
Do đó, sau khi lật đổ al Bashir, Israel đã cố gắng thiết lập mối quan hệ bền chặt với al Burhan và Hemedti. Tháng 02/2020, al Burhan đã bí mật gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Uganda và đồng ý bình thường hoá quan hệ. Sau khi Sudan tham gia Hiệp định Abraham tháng 10/2020, mối quan hệ giữa hai nước càng được củng cố, với việc các quan chức Israel đã đến thăm Khartoum và gặp gỡ al Burhan và Hemedti nhiều lần. Cả hai đều thể hiện quan tâm đến việc làm sâu sắc thêm quan hệ với Israel. Lực lượng tình báo Mossad của Israel đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với Hemedti trong vài năm qua.
Năm 2020, có thông tin UAE đã sắp xếp cuộc gặp bí mật giữa Hemedti và giám đốc Mossad khi đó là Yosi Cohen. Tháng 6/2021, hai người gặp nhau tại Khartoum, cũng đã khiến al Burhan tức giận. Rõ ràng Hemedti đã thiết lập các kênh liên lạc độc lập với Israel để thực hiện kế hoạch của mình tại Sudan.
Israel đề nghị làm trung gian hoà giải giữa hai bên tham chiến nhằm chấm dứt giao tranh đang diễn ra tại Sudan. Tuy nhiên, các quan chức Israel đang bị chia rẽ nên ủng hộ bên nào. Bộ Ngoại giao Israel đã thiết lập quan hệ chặt chẽ và hợp tác với al Burhan để thúc đẩy bình thường hoá. Tuy nhiên, các quan chức của Mossad có xu hướng ủng hộ Hemedti do mối quan hệ bền chặt của Hemedti với UAE.
Tóm lại, sự dính líu sâu sắc và phức tạp của các chủ thể khu vực ở Sudan đã cản trở đáng kể nỗ lực giải quyết xung đột đang diễn ra. Mặc dù các chủ thể được coi là đóng vai trò xây dựng trong việc đàm phán giải pháp cho cuộc khủng hoảng, nhưng sự tham gia của chính họ đã thúc đẩy xung đột leo thang và làm trầm trọng thêm sự phức tạp trong quá trình tìm kiếm hoà bình và ổn định lâu dài ở Sudan.