Quang cảnh Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn với đất Phương Nam”.
Hội thảo đã nhận được 29 tham luận chất lượng của các tác giả, tập trung vào các chủ đề lớn dưới thời các chúa Nguyễn như: Quá trình mở đất, xây dựng chính quyền; quá trình xác lập chủ quyền, khai thác biển đảo; phát triển kinh tế, đô thị, xã hội; đời sống văn hoá, đối ngoại; nhân vật lịch sử…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Đàng Trong – Đàng Ngoài ra đời trong cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn (năm 1627 – 1672) và kết thúc sau khi Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn chiến thắng quân Xiêm năm 1786, là năm diệt chúa Trịnh, xoá bỏ Đàng Trong – Đàng Ngoài, thống nhất đất nước. Đàng Trong trở thành vấn đề sử học được nhiều học giả trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và có những công bố quan trọng trong hơn nửa thế kỷ qua.
Trong sự biến động khôn lường của thế giới thời đại hàng hải từ thế kỷ XVI – XVIII, nhiều nước ở phương Đông bị khuất phục, xâm chiếm nhưng cũng có vài vùng lãnh thổ, quốc gia đã nắm bắt thời cơ để xây dựng, phát triển vững mạnh, trong đó có chính quyền Đàng Trong. Sau sự kiện mở đất Phú Yên các năm 1578, 1611, chúa Nguyễn Hoàng trở thành nhân vật cầm quyền mở đầu công cuộc mở cõi đất phương Nam, đặt nền móng cho sự ra đời của Đàng Trong. Tiếp đó, các chúa Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu tiếp tục mở đất Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ.
Từ thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn xác lập chủ quyền đầy đủ ở khu vực Đông Nam Bộ ngày nay, bao gồm cả vùng đất trên bộ lẫn các vùng biển đảo, qua đó thúc đẩy quá trình sáp nhập và quản lý vùng đất Đông Nam Bộ vào lãnh thổ Đại Việt, góp phần quan trọng thống nhất toàn bộ chủ quyền của Việt Nam như ngày nay. Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Chú và Nguyễn Phúc Khoát trên toàn bộ phần đất còn lại.
Việc mở cõi đi đôi với định cõi, định đô. Vào cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Ánh sau khi đã xác lập chủ quyền trên toàn cõi đất Nam Bộ đã xây dựng thành Gia Định như một kinh đô của chúa Nguyễn ở đất phương Nam. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai, trong hơn một thập kỷ cuối thế kỷ XVIII và hai năm đầu thế kỷ XIX, Sài Gòn – Gia Định đã trải qua những biến đổi to lớn, trở thành trung tâm kinh tế, xã hội và văn hoá lớn ở Đàng Trong. Gia Định không chỉ là kinh đô của toàn miền Nam Bộ mà còn là địa bàn căn cốt tạo thế, tạo lực cho Nguyễn Ánh đánh bại các phe phái đối lập, tạo dựng vương triều, vươn ra cai quản toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của nước Việt Nam thống nhất và đặt nền móng vững chắc cho Sài Gòn – Gia Định trở thành đại đô thị đầu tiên của Việt Nam, mang tầm vóc quốc tế.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng trao đổi làm sáng rõ nhiều vấn đề quan trọng, nổi bật dưới thời các chúa Nguyễn như: Quá trình xác lập chủ quyền và khai thác kinh tế tại quẩn đảo Hoàng Sa – Trường Sa, các quần đảo Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Phú Quý, Côn Lôn, Phú Quốc…; những thành tựu về phát triển kinh tế, đô thị và văn hoá Đàng Trong; chính sách phát triển tiền tệ; quan hệ ngoại giao…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Thừa Thiên – Huế là nơi các chúa Nguyễn có 150 năm định đô (năm 1626 – 1775), là tiền đề để Hoàng đế Quang Trung chọn làm kinh đô (năm 1786 – 1801) và Hoàng đế Gia Long xây dựng kinh đố Huế tồn tại gần 150 năm (năm 1802 – 1945). Phú Xuân thời chúa Nguyễn là trung tâm chính trị đầu tiên của nước Việt Nam vươn ra quản lý vùng biển đảo phía Đông, lãnh thổ và dân cư phía Nam, trong đó có cả vùng đất và vùng biển rộng lớn phương Nam. Một vùng đất phát triển năng động, là động lực mang tính khởi đầu trong quá trình hội nhập quốc tế và thống nhất dân tộc. Do vậy, hội thảo này có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử của chúa Nguyễn với đất phương Nam.
Theo ĐỖ TRƯỞNG (Báo Tin Tức)