Nhiều tiểu thương Việt nhận thấy áp lực cạnh tranh gia tăng từ doanh nghiệp Trung Quốc, khi Moskva – Bắc Kinh tăng hợp tác kinh tế đối phó lệnh trừng phạt.
Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2/2022, Nga đã hứng chịu hơn 13.000 biện pháp hạn chế của phương Tây, nhiều hơn tổng lệnh trừng phạt áp đặt với Iran, Cuba và Triều Tiên. Tuy nhiên, GDP của Nga chỉ giảm 2,1% trong năm 2022 và thậm chí Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga có thể tăng trưởng trong năm 2023.
Để đối phó với lệnh trừng phạt từ phương Tây và ngăn nguy cơ nền kinh tế đổ vỡ, chính phủ Nga đã đưa ra những phản ứng nhanh chóng, như đặt ra những hạn chế với dịch chuyển vốn, tăng lãi suất cơ bản lên 20%, chặn dòng vốn chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng. Đến cuối tháng 4/2022, chính sách tăng lãi suất tiền gửi ngắn hạn và cấm rút ngoại tệ đã giúp Nga thu hút trở lại gần 90% số tiền mà người dân đã rút khỏi tài khoản.
Chị Vân Anh, người Việt đã sống ở Nga tròn 30 năm, cho hay việc các công ty nước ngoài đồng loạt rút khỏi thị trường Nga trong giai đoạn đầu năm 2022 đã gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống ở Nga. Tuy nhiên, thị trường Nga đã dần lấy lại cân bằng, khi nước này tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc.
Tại chợ Liublino, hay còn gọi là Trung tâm Thương mại Moskva, nơi chị Vân Anh làm quản lý một công ty xuất nhập khẩu chuyên phân phối các mặt hàng thực phẩm châu Á đến Nga, các gian hàng, kho bãi không còn chỗ trống. “Các doanh nghiệp Trung Quốc đã thuê hết”, chị nói với VnExpress.
Giữa lúc nền kinh tế Nga chịu nhiều tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, thương mại giữa nước này với Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 190 tỷ USD trong năm 2022, theo thống kê của hải quan Trung Quốc.
Dữ liệu công bố hồi tháng 4 cho biết kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc trong quý đầu năm 2023 đạt 53,84 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Chị Vân Anh cho biết nhiều tiểu thương người Việt chủ yếu nhập hàng hoặc nguyên liệu từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc, để bán ở Nga. Do đó, khi các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt kéo sang Nga mở rộng nhà máy và thị trường, tiểu thương Việt đối mặt sức ép cạnh tranh rất lớn.
“Các nhà máy Trung Quốc có sẵn nguyên liệu và công nghệ, họ cũng tự phát triển mẫu mã, nên chủ động hơn nhiều”, chị kể. “Doanh nghiệp Trung Quốc cũng chủ động trong vận chuyển hàng hóa sang Nga nhờ hệ thống giao thông kết nối hai nước và chính sách hỗ trợ từ cả hai chính phủ”.
Hồi đầu tháng 5, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đã tới thăm hỏi bà con tiểu thương Việt đang kinh doanh tại chợ Teply Stan ở Tây Nam thủ đô Moskva, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của bà con gặp nhiều khó khăn.
Teply Stan là một trong những khu chợ Nga tập trung nhiều người Việt làm ăn buôn bán, tập trung vào các hoạt động bán lẻ quần áo cũng như kinh doanh cửa hàng ăn uống và một số loại hình dịch vụ khác.
Anh Bá Vượng, người kinh doanh hàng may mặc ở chợ Liublino tại thành phố Moskva, cũng cho biết hàng Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại thị trường Nga, từ đồ điện tử cho tới nội thất, may mặc, khi hai nước tăng cường giao thương.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga trong quý I năm 2023 đạt mức 24,07 tỷ USD, tăng hơn 47% so với năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cơ quan này ước tính thương mại song phương với Nga năm 2023 sẽ đạt khoảng 215 tỷ USD.
Anh Vượng, người đã sống ở Nga khoảng 25 năm, thêm rằng một khó khăn khác là sự biến động của đồng ruble, ảnh hưởng tới thu nhập của bà con người Việt.
“Tỷ giá trước xung đột là 65 ruble đổi một USD. Khi chiến sự nổ ra, lệnh cấm vận từ phương Tây khiến đồng ruble trượt giá, có thời điểm lên hơn 120 ruble đổi một USD”, anh nói.
Nga đã tung ra loạt biện pháp quyết liệt, từ yêu cầu khách hàng nước ngoài mua khí đốt bằng ruble đến tăng mạnh lãi suất, giúp đồng nội tệ hồi sinh mạnh mẽ. Anh Vượng cho hay tỷ giá hiện đã ổn định hơn, song vẫn dao động khoảng 75-80 ruble mỗi USD.
Theo anh Vượng, xung đột ở Ukraine cũng phần nào tác động tới tâm lý của người dân Nga, khiến họ giảm thú vui mua sắm hay đi chơi, dẫn tới sức mua kém hơn so với trước chiến sự.
Chị Vân Anh cho biết trong tình cảnh khó khăn, một số tiểu thương người Việt đã ngừng nhập hàng từ Trung Quốc và lập các nhà xưởng để tự sản xuất tại Nga, dù quy mô vẫn tương đối nhỏ. Ngoài ra, nhiều người Việt ở Nga cũng lựa chọn lĩnh vực ít cạnh tranh hơn như kinh doanh nhà hàng.
“Tôi vẫn đánh giá Nga là một thị trường tiềm năng, số lượng hàng công ty tôi đưa ra thị trường vẫn tăng theo từng quý. Các đối tác bán lẻ, thương mại điện tử hay nhà hàng, quán ăn đều phát triển tốt”, chị cho hay.
Bất chấp áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, anh Vượng cho biết cuộc sống của người Việt ở Nga nói chung và các tiểu thương vẫn ổn định, một phần là do nguồn cung năng lượng và lương thực ổn định với chi phí hợp lý.
“Giá khí đốt, xăng dầu, thực phẩm ở Nga rất rẻ, khiến bà con không phải lo lắng như sống ở nhiều nước châu Âu khác”, anh Vượng nói, thêm rằng những người định cư ở nước này có thể khám bệnh miễn phí và con cái đi học không mất tiền.
Trong thời kỳ Covid-19, các hệ thống bệnh viện Nga đều cứu chữa miễn phí cho những người bệnh nặng mà “không phân biệt quốc tịch”, theo anh Vượng.
“Năng lượng, lương thực, y tế và giáo dục ở đây đều tốt, khiến cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Nga ổn định. Với nhiều người xa quê lâu năm như tôi, Nga được xem như quê hương thứ hai”, anh nói.
Thanh Tâm