Số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế cho thấy từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An.
Số mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
So với cùng kỳ 2022 (12.649/1) số mắc giảm 28%, trong đó ghi nhận cao nhất tại miền Nam (6.204 ca), còn tại miền Bắc là 2.007 ca, miền Trung 316 ca và Tây nguyên 130 ca.
Số ca mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%).
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính Enterovirus 71 (EV71) trong tổng số mẫu được xét nghiệm, từ 5,9% tuần 14 năm 2023 lên 19,2% tuần 20 năm 2023. Sự xuất hiện của virus Enterovirus 71 (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Khi bị bệnh người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét. Người dân có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng.
Liên quan đến bệnh tay chân miệng, ngày 5/6, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản thông tin về việc cung ứng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng nặng (Immunoglobulin, Phenobarbital).
Nguồn: vietnamplus.vn