Ngày 7/6, Thường trực HĐND tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề đối với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Làm việc với Đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Khánh Linh
Thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều thông báo, kết luận, nghị quyết liên quan đến công tác quản lý, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng các công trình giao thông đường bộ đã được quan tâm từ việc lập, thẩm định, phê duyệt khâu chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thiết kế – dự toán, cấp phép, quản lý thực hiện hợp đồng, nghiệm thu công trình hoàn thành, quyết toán dự án… đã dần được chấn chỉnh theo yêu cầu quản lý từng giai đoạn.
Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được các ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; nhiều vụ việc được phát hiện kịp thời, đã nhắc nhở, chấn chỉnh trong công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình; yêu cầu sửa chữa, khắc phục các tồn tại về hồ sơ, hiện trường.
Các dự án sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã bước đầu phát huy hiệu quả đầu tư của Nhà nước, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số tồn tại, hạn chế; đồng thời, đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh như Luật Đất đai năm 2013 dù có nhiều điểm tích cực nhưng về trình tự, thủ tục thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án còn có một số bất cập, chưa sát với tình hình thực tế khi thực hiện; công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, thiếu hiệu quả…
Tiếp thu toàn bộ ý kiến của Đoàn giám sát và các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương rà soát và làm rõ những tồn tại, hạn chế, giải pháp khắc phục gửi báo cáo về HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt hơn nữa việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền ban hành để thống nhất thực hiện; rà soát lại hệ thống văn bản của tỉnh để tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản chỉ đạo, cơ chế và công tác quy hoạch, phân cấp đầu tư, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng sau đầu tư để các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Khánh Linh
Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường phối hợp trong việc rà soát các quy hoạch chuyên ngành, đề án, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật và nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý quy hoạch đảm bảo sự liên kết và phù hợp trong các quy hoạch.
Phân kỳ đầu tư cho phù hợp, xác định rõ nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn để đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đường bộ, tránh trường hợp lãng phí đất đai, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối, thiếu nhiều công trình công cộng như bến xe, bãi đỗ xe tỉnh, công viên cây xanh…, thiếu nguồn vốn để thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình, dự án sau đầu tư.
Chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản đối với các công trình dự án còn nợ đọng; có sự đánh giá nghiêm túc trong công tác thực hiện quy hoạch, có sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quy hoạch để phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp thực hiện quy hoạch đúng mục tiêu.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Thành ủy, HĐND, UBND huyện, thành phố đối với các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể của huyện, thành phố; huy động đồng bộ cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc trong việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án trên địa bàn.
Tiếp tục tập trung củng cố lại bộ máy làm công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ và tái định cư từ huyện đến xã; cương quyết điều chuyển công tác, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, không tâm huyết, không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời tuyển chọn và tăng cường cán bộ có năng lực để thực hiện công tác GPMB, hỗ trợ và tái định cư; thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân…
Thiệu Vũ