Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Tư lệnh ngành giao thông vận tải, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến nhóm vấn đề về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Các đại biểu đề nghị cần có giải pháp rõ ràng, giải quyết dứt điểm tồn đọng trong hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nêu rõ: Hiện nay, Bắc Giang còn 2 nút thắt giao thông mà cử tri đã phản ánh qua nhiều kỳ họp Quốc hội. Một là, cầu Cẩm Lý từ những năm 1979, hiện có đường bộ đi chung với đường sắt, tuổi đời đã gần 50 năm trên quốc lộ 37. Đây là tuyến huyết mạch nối giữa Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Lưu lượng phương tiện qua đây rất lớn, thường xuyên ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Đây là dự án nằm trong danh mục dự án khẩn cấp được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có vốn bố trí cho dự án.
Hai là, cao tốc Bắc Giang đi vào hoạt động từ tháng 1/2016, đây là tuyến huyết mạch nối cửa khẩu Hữu Nghị với các tỉnh phía Bắc có lưu lượng rất lớn nhưng thường xuyên ùn tắc ở hai cây cầu Như Nguyệt và Xương Giang. Lý do là hai cây cầu này mới có 2 làn xe.
Đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, cầu Như Nguyệt đã được mở rộng, tuy nhiên nếu không mở rộng cầu Xương Giang thì tình trạng ùn tắc vẫn tiếp tục diễn ra. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải cho cử tri Bắc Giang biết, trong nhiệm kỳ này, hai nút thắt trên có giải quyết được không?
Cùng quan tâm đến tuyến đường quan trọng này, Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) chỉ rõ, hàng ngày, tại tuyến đường cao tốc Bắc Giang có hàng nghìn lượt xe tải chở thanh long, sầu riêng và những hoa quả khác bị ùn tắc tại địa phận hai cây cầu này. Thậm chí có những trường hợp phải bán hoa quả theo cách “giải cứu”. Bởi vì điểm tắc chính là nút thắt ở hai cầu, mà hai cầu này chỉ có 1 chiều đi chiều về cùng trên 1 cây cầu, như vậy rất khó khăn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, đây là con đường huyết mạch, ngắn nhất từ mũi Cà Mau thông thương với Trung Quốc. Do vậy, vấn đề này đang là bức xúc, cần tiến hành khẩn trương. Bên cạnh đó, cây cầu Cẩm Lý cũng từ thập niên 70 đến nay, rất nguy hiểm cho tính mạng người dân. Do đó, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần những thủ tục gì để xử lý vấn đề trên?
Trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội về kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, các tuyến đường còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương. Trong bối cảnh ngân sách trung ương có hạn, nếu ngân sách địa phương bố trí để cùng với Trung ương đầu tư các quốc lộ thì sẽ giải quyết được khó khăn. Đồng thời, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế này.
Về cầu Cẩm Lý, Bộ trưởng cho biết, đây là cây cầu duy nhất ở miền Bắc đi chung đường sắt và đường bộ. Giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải đề xuất đưa vào bổ sung nguồn vốn đầu tư công nhưng do nguồn lực có hạn nên chưa bố trí được. Bộ Giao thông vận tải đã tính đến phương án làm việc với các tổ chức quốc tế để bố trí nguồn lực nhưng chưa thành công.
Còn đối với cầu Xương Giang, tỉnh Bắc Giang đề nghị Trung ương ủng hộ với tinh thần chia sẻ. Bộ Giao thông vận tải nhận thấy sự cần thiết đầu tư và tham mưu Thủ tướng trình cơ quan có thẩm quyền sử dụng nguồn tăng thu năm 2022 để đầu tư cây cầu này, nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận sẽ bố trí nguồn để thực hiện.
Về các giải pháp lâu dài đối với hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính, thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong huy động, sử dụng nguồn lực ở trung ương và địa phương, tạo điều kiện để các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng.
Đồng thời, cần huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước với mục tiêu lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, áp dụng linh hoạt các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực, xây dựng và áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, bảo đảm lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, trong đó, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trọng yếu, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các cảng biển, cảng hàng không quan trọng; tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt.