Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tranh luận với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh về chính sách vùng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
– Ngày 7/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc; chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ; chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Trong phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tranh luận với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh về chính sách vùng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số theo đối tượng, theo địa bàn hay đan xen vẫn chưa đủ cho các vùng đặc thù như vùng biên giới. Cụ thể, đại biểu cho rằng, khu vực biên giới đa số là vùng dân tộc thiểu số, một số nơi là vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, vùng biên giới còn mang trọng trách là phên dậu của quốc gia, do đó phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới có vai trò quan trọng trong bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc. Tuy nhiên, đối với khu vực đặc biệt khó khăn khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì không còn hưởng các chính sách theo địa bàn. Do đó, đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này? Các chính sách hiện nay đã đủ giữ chân đồng bào dân tộc và thu hút lao động đến các vùng biên giới hay chưa? Có nên có chính sách đặc thù cho vùng biên giới hay không?
Trả lời tranh luận của đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, hiện cả nước có 25 tỉnh biên giới, đời sống kinh tế – xã hội của người dân tại các xã, huyện biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, địa hình xa, hiểm trở. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, vẫn cần nhiều chính sách hơn nữa để cải thiện đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cần đánh giá tổng kết việc thực hiện chính sách hiện nay để có những chính sách phù hợp hơn, trong đó quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân… đồng thời góp phần gìn giữ biên cương.
Quang cảnh phiên họp chất vấn lĩnh vực khoa học công nghệ
Trong chương trình, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ với những nội dung trọng tâm gồm: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
ĐBQH cũng đã chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải với những nội dung trọng tâm gồm: giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Theo chương trình, ngày mai 8/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH trong buổi sáng và buổi chiều sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.