Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã trải qua 4 giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu từ khi thành lập đến năm 1986, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ty Lâm nghiệp. Ở giai đoạn thứ 2, từ 1986-1994, lúc này tổ chức và hoạt động của lực lượng kiểm lâm không thống nhất thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương, cùng với cơ chế quản lý chưa rõ ràng nên tình hình vi phạm pháp luật về rừng và tình trạng dân di cư tự do gia tăng, dẫn đến việc bao chiếm đất rừng để nuôi tôm và đốt rừng tràm để sản xuất nông nghiệp làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. “Ở khu vực rừng ngập mặn, hàng chục ngàn héc-ta rừng đước có trữ lượng bị tàn phá nghiêm trọng; khu vực rừng tràm thì cháy rừng và nạn phá rừng sản xuất nông nghiệp làm cho hàng ngàn héc-ta rừng có trữ lượng bị mất đi, gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng sau này”, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhớ lại.
Rừng Cà Mau mang tính đặc thù, từ ngập lợ đến ngập mặn, từ ven biển đến hải đảo, nên công tác bảo vệ, quản lý gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. (Trong ảnh: Tuần tra bảo vệ rừng cụm đảo Hòn Khoai của lực lượng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai). |
Trước khó khăn trên, giai đoạn 1994-2006, Chi cục Kiểm lâm tách ra khỏi Sở Lâm nghiệp, trở thành đơn vị trực thuộc UBND tỉnh. Thời điểm này thành lập các ban quản lý (BQL) rừng, bao gồm BQL rừng phòng hộ Biển Tây, Biển Ðông; BQL rừng đặc dụng Vồ Dơi, Ðất Mũi và thành lập thêm BQL rừng cụm đảo Hòn Khoai. Năm 1996, tiếp nhận BQL rừng phòng hộ Bãi Bồi; đồng thời, chuyển các BQL rừng thành các hạt kiểm lâm. Cũng trong giai đoạn này, năm 2004 Chi cục Kiểm lâm bàn giao toàn bộ diện tích rừng của BQL rừng đặc dụng Ðất Mũi để thành lập Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; 2 năm sau đó bàn giao toàn bộ diện tích rừng đặc dụng Vồ Dơi để thành lập Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Giai đoạn này, rừng ngập mặn tuy còn bị phá để mở rộng diện tích nuôi tôm nhưng có giảm hơn so với giai đoạn trước. Khu vực rừng tràm do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, cùng với ý thức người dân sống trong và ven rừng chưa cao nên thường xảy ra cháy rừng. Vụ cháy vào năm 2002 làm thiệt hại trên 4.000 ha rừng, đồng thời phát sinh tình trạng người dân đưa nước mặn vào diện tích đất sản xuất kết hợp để nuôi tôm làm ảnh hưởng đến quy hoạch sản xuất.
Ðầu năm 2016, hợp nhất Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm thành Chi cục Kiểm lâm, trở về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ổn định đến nay.
Những cánh rừng trải rộng từ Đông sang Tây, những vạt rừng tràm thăm thẳm là thành quả, sự nỗ lực rất lớn của các lực lượng giữ rừng, nòng cốt là lực lượng Kiểm lâm Cà Mau trong suốt 47 năm qua.
Trước sự phát triển của xã hội và nhu cầu cuộc sống của người dân, công tác quản lý và bảo vệ rừng dần thay đổi theo. Chủ rừng là người dân, sản xuất trên đất lâm phần đi theo hướng thâm canh đất đai, tạo công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo, nhất là việc giải quyết định canh, định cư cho người dân. “Chỉ có người dân bảo vệ rừng, bảo vệ thành quả lao động của họ thì rừng mới ổn định và phát triển”, ông Hải nhìn nhận thực tế vấn đề.
Theo đó, tỉnh từng bước chuyển đổi chủ rừng, giao rừng và đất lâm nghiệp cho 5.143 hộ gia đình và cá nhân theo Luật Ðất đai với diện tích trên 23.689 ha; giao khoán 81.521,36 ha; cho 7 doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp với diện tích trên 3.322 ha… Từ đây tăng dần tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán, từ 16,36% vào năm 1992 lên 26% vào năm 2022. Cà Mau được đánh giá là một trong số ít các địa phương có độ che phủ rừng cao và ổn định trong cả nước.
“Chúng ta nhìn thấy những cánh rừng xanh liền dải dọc theo bờ biển Ðông và kéo dài đến tận biển Tây với bạt ngàn rừng đước, mênh mông rừng U Minh Hạ. Ðó chính là kết quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi để quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng địa phương trong gần 50 năm qua của nhiều thế hệ nhân viên Kiểm lâm Cà Mau”, ông Lê Văn Hải tự hào./.
Trần Nguyên