Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, hình thành những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Mô hình nuôi cá lồng của hội viên nông dân xã Xuân Châu (Xuân Trường). |
Các cấp HND trong tỉnh tổ chức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; bồi dưỡng, trang bị kiến thức về quy trình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho hội viên; phối hợp với các doanh nghiệp lắp đặt hàng nghìn bể biogas bằng công nghệ composit cho các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại. Năm 2022, HND tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Phát triển nghề cá Vịnh Bắc Bộ tiếp tục thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển tỉnh Nam Định”; tổ chức 2 buổi hội thảo, 6 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sú ghép cá đối mục cho mô hình tại xã Bạch Long (Giao Thủy) và kỹ thuật nuôi cá bống bớp toàn đực tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 564 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 45 nghìn hội viên, nông dân. Phối hợp với Công ty TNHH Năm Sao Bông Gạo Vàng, Công ty Cổ phần Phồn Vinh tổ chức chuyển giao chế phẩm Enzymes trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; đã thí điểm ở 7 mô hình: chăn nuôi gà đẻ trứng tại các xã Hải Xuân (Hải Hậu), Yên Nghĩa (Ý Yên); chăn nuôi gà thịt tại xã Kim Thái (Vụ Bản); nuôi tôm thẻ tại các xã Giao Phong (Giao Thủy), Hải Phúc, Hải Triều (Hải Hậu); nuôi lợn tại xã Hải Đông (Hải Hậu). Các cấp HND trong tỉnh cũng tiếp tục duy trì hoạt động của 17 câu lạc bộ “Nông dân với internet” để hội viên thường xuyên cập nhật quy trình sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác truy xuất nguồn gốc để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đến nay, HND tỉnh đã trực tiếp triển khai xây dựng được nhiều mô hình liên kết, điển hình như: “Liên kết sản xuất, tiêu thụ cá bống bớp Sơn Nguyệt” tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); “Liên kết sản xuất tiêu thụ cá trắm đen” của tổ hợp tác xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai F1HN88, hỗ trợ củng cố hợp tác xã (HTX)” tại xã Liên Bảo (Vụ Bản); “Liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen” tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường); “Chi, tổ HND nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” tại xã Yên Nghĩa (Ý Yên). HND các cấp cũng đã tham gia 30 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2022, toàn tỉnh đã xây dựng được 453 mô hình “cánh đồng lớn” với tổng diện tích 19.150ha, trong đó có 3.316ha được bao tiêu sản phẩm. 997 hộ nông dân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, HTX liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX ứng dụng công nghệ cao. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 26 HTX ứng dụng công nghệ cao. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, hội viên nông dân đã xây dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nhiều sản phẩm nông nghiệp. Riêng năm 2022, toàn tỉnh đã có thêm 91 sản phẩm được UBND tỉnh xem xét, xếp hạng OCOP. Trong số các sản phẩm đã được công nhận, gạo sạch Toản Xuân là một trong những sản phẩm tiêu biểu, đã được xếp hạng OCOP 4 sao. Đây là sản phẩm liên kết sản xuất giữa nông dân nhiều địa phương trong tỉnh với Công ty TNHH Toản Xuân theo quy trình 9 bước chặt chẽ, từ xác định vùng nguyên liệu, chọn giống, làm đất và gieo cấy, chăm sóc và phòng ngừa dịch hại, thu hoạch, sấy thóc, bảo quản, chế biến, lưu kho thành phẩm.
Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tiêu biểu như mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) gắn với đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm từ thịt lợn. Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Lê Văn Cần, xã Yên Thọ (Ý Yên) được vận hành theo mô hình tuần hoàn: chất thải chăn nuôi từ lợn được đưa vào bể chứa biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; qua hệ thống lọc nước thải được tận dụng để tưới cho vườn cây ăn trái; phân lợn được xử lý sau đó ủ thành phân bón hoai mục, bón cho vườn cỏ voi cắt làm thức ăn cho cá. Đến nay, ông Cần đang sở hữu tổng diện tích trang trại 13.500m2 được xây dựng theo mô hình khép kín có quạt thông gió, điều hòa đảm bảo kỹ thuật; đang duy trì chăn nuôi thường xuyên 500 con lợn thịt, gần 100 con lợn nái, 3 ao cá với các loại cá chép, trắm, lăng; 300 gốc bưởi Diễn, 150 gốc mít Thái, 100 gốc nhãn, 1.000 cây đinh lăng cho thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm. Ông Cần đã được các cấp HND đề nghị bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”. Ông Trần Văn Rụ, hội viên nông dân xã Kim Thái (Vụ Bản) với mô hình chăn nuôi gà trắng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Khu chuồng trại rộng rãi, sạch sẽ được trang bị đầy đủ hệ thống cảm biến nhiệt độ, đèn điện, quạt thông gió, máng ăn tự động, camera giám sát… giúp cho những người nông dân hiện đại thời công nghiệp 4.0 như ông Rụ có thể dễ dàng vận hành sản xuất một cách hiệu quả. Ông Nguyễn Đại Dương, hội viên chi HND xóm Điện Biên Tây, xã Giao An (Giao Thuỷ) từ thực tế tham quan nhiều mô hình ao đầm nuôi để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và tham gia các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do các cấp HND tổ chức đã quyết định phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Đến nay, tổng diện tích ao, đầm nuôi khoảng 25ha. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch, cung ứng ra thị trường 15-20 tấn tôm và nhiều tấn ngao vạng, cho lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng. Mô hình sản xuất của ông tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; đồng thời còn thu hút nhiều lao động thời vụ. Ngoài ra, ông thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ nuôi khác.
Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường, thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục vận động hội viên tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Lam Hồng