Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quang Nam) cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho các chương trình khoa học công nghệ. Tuy nhiên, thực tế tính ứng dụng của nhiều đề tài khoa học còn thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực? Đâu là “điểm kích nổ” về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?

Đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: CÔNG QUỐC

Trả lời đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết: Khoa học công nghệ là ngành đặc thù, rất khó để đánh giá thành công của các đề tài nghiên cứu. Bởi, có đề tài nghiên cứu xong, chưa phát huy tác dụng ngay nhưng sẽ có giá trị trong nhiều năm sau này. Có những đề tài phải mất nhiều thời gian mới có thể ứng dụng vào thực tế và đánh giá mức độ thành công, do vậy không thể thống kê một cách đầy đủ và rất khó để thống kê hoàn chỉnh. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, sẽ cung cấp số liệu một cách đầy đủ trong thời gian tới. “Tuy nhiên phải nói thêm rằng công tác thống kê này là khó”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mặc dù kinh tế hết sức khó khăn nhưng Chính phủ cũng kiến nghị và Quốc hội đã bố trí kinh phí cho ngành khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết rất khó xác định có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học để trong “ngăn kéo”. Ảnh: TUẤN HUY

Cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng chưa đúng trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc lại câu hỏi: Đại biểu không hỏi ngân sách bố trí bao nhiêu cho khoa học công nghệ mà hỏi có bao nhiêu đề tài đã ứng dụng được? Có bao nhiêu đề tài đang để ở trong ngăn kéo? Giải pháp để bứt phá về khoa học công nghệ, nhất là giải pháp quản lý Nhà nước thế nào?”

Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng cho biết, hoạt động khoa học công nghệ có tính đặc thù, đi tìm những cái mới nên có thể thành công, có thể không thành công, có thể thành công sớm hoặc có thể thành công muộn. Do đó, việc tính toán cụ thể có bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Theo bộ trưởng, điều quan trọng là làm sao chúng ta xác định được những kết quả đó phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà nghiên cứu khoa học. Vừa qua có thể thấy, kết quả nghiên cứu góp phần nâng xếp hạng của các trường đại học của nước ta ở trong khu vực và quốc tế.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng đề cập tới chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống…

VŨ DUNG