Chiều 7-6, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng là thành viên Chính phủ thứ tư đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên trang http://www.qdnd.vn để cử tri, nhân dân theo dõi.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VPQH
Trong báo cáo của Bộ Giao thông vận tải gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ năm, Bộ Giao thông vận tải cho biết, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được Bộ Giao thông vận tải phân cấp tương đối triệt để cho địa phương; đồng thời thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch lái xe, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lái xe của xã hội.
Về hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, hiện nay, cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái xe ô tô phân bố ở 63 tỉnh, thành phố; 154 trung tâm sát hạch lái xe ô tô, phân bố tại 57 tỉnh, thành phố, hiện còn 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch gồm: Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.
Theo báo cáo của các Sở giao thông vận tải, đến ngày 28-2-2023, cả nước có hơn 40,6 nghìn ô tô tập lái; hơn 48,4 nghìn giáo viên dạy thực hành; hơn 3,8 nghìn giáo viên dạy lý thuyết và hơn 2,3 nghìn giáo viên vừa dạy lý thuyết và dạy thực hành.
Về công tác cấp giấy phép lái xe quốc gia, năm 2022 cả nước cấp hơn 845 nghìn giấy phép lái xe ôtô và hơn 927 nghìn giấy phép lái xe mô tô. Đến nay, cả nước đã cấp hơn 12,2 triệu giấy phép lái xe ô tô và hơn 51 triệu giấy phép lái xe mô tô.
Ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các Sở Giao thông vận tải trên phạm vi toàn quốc; đồng thời quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý sai phạm đến đó; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và pháp luật về kết quả thanh, kiểm tra.
Đến nay, qua kiểm tra nhận thấy có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của Sở giao thông vận tải, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như: Việc khai thác dữ liệu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe) để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế…
HẢI THANH