Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã khẩn trương hồi sức tích cực, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết ngay tại giường. Kết quả chụp X-quang có mờ nhạt lan tỏa hai trường phổi, xét nghiệm máu có rối loạn điện giải. Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn chuyên khoa và kết luận chẩn đoán suy hô hấp cấp.
BS.CKI Huỳnh Trung Hiếu cho biết trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do phần lớn trẻ không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách. Những thao tác đầu tiên của cấp cứu hồi sức ban đầu góp phần quan trọng trong việc cứu sống tính mạng của trẻ. Trường hợp của bé T. may mắn được sơ cấp cứu ban đầu và nhập viện điều trị kịp thời.
Qua trường hợp bệnh nhi trên, bác sĩ cho biết hiện tại đang vào kỳ nghỉ hè, cũng là thời điểm gia tăng cao tai nạn đuối nước. Để hạn chế tình trạng trẻ đuối nước, cha mẹ không nên để trẻ chơi hoặc bơi một mình mà không giám sát, không cho trẻ chơi gần ao hồ, sông suối… đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi trẻ tắm ở hồ bơi, tắm biển, cha mẹ phải mặc áo phao cho trẻ, luôn quan sát, theo dõi trẻ trong suốt quá trình vui chơi.
“Nếu chẳng may xảy ra đuối nước, khi sơ cấp cứu trẻ tuyệt đối không được dốc ngược người trẻ lên vai rồi chạy mà không tiến hành ép tim và hô hấp nhân tạo cho trẻ… Điều này kéo dài thời gian thiếu oxy não gây ra những di chứng ở não sau này nếu trẻ còn sống. Ngay khi phát hiện trẻ bị đuối nước, cần khẩn trương sơ cứu và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh những hậu quả, di chứng nguy hiểm”, bác sĩ Hiếu khuyến cáo.