Thực tiễn giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên
Sinh thời, vấn đề nổi bật được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là công tác giáo dục lý tưởng chính trị và đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, mà trong đó nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo là một binh chủng quan trọng trên “mặt trận” này. Người luôn yêu cầu và mong mỏi báo chí cách mạng Việt Nam phải giúp cho thanh niên có định hướng đúng đắn về lý tưởng sống.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, lý tưởng sống của thanh niên chính là đồng hành cùng dân tộc, cùng hướng tới giá trị về độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội, cống hiến hết mình cho lý tưởng đó. Và báo chí phải luôn là người bạn đồng hành với thanh niên trên những chặng đường ấy.
Lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh rằng, báo chí cách mạng luôn luôn gắn bó với những bước thăng trầm của lịch sử đất nước và là người hướng dẫn tin cậy của đồng bào cả nước, cổ vũ đất nước đi theo con đường mà Ðảng, Bác Hồ và Nhân dân đã chọn. Báo chí không chỉ là phương tiện chủ yếu để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn là công cụ đắc lực nhằm giáo dục ý thức chính trị, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, ý chí tự lực tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh của thanh niên trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình mới, báo chí tham gia giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên được quan tâm thực hiện ở nhiều khía cạnh. Báo chí đã có sự chủ động, tích cực cùng với các ngành, các cấp xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để thanh niên được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Ðồng thời, tạo cho thanh niên cơ hội để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, hưởng thụ văn hoá, lối sống đẹp để nâng cao sức khoẻ thể lực và tinh thần. Song song đó, những năm qua báo chí đã thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, có tính định hướng thẩm mỹ cao, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, hình thành lối sống văn hoá và ý thức công dân cho thanh niên.
Phóng viên các cơ quan báo chí ở Cà Mau tác nghiệp. Ảnh: MINH TẤN |
Bên cạnh đó, báo chí còn thường xuyên quan tâm khích lệ, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thanh niên. Trong công tác giáo dục thế hệ trẻ, báo chí chú trọng xây dựng các hoạt động gắn trách nhiệm của thanh niên với bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, coi việc tôn vinh, nêu gương, cổ vũ thanh niên sống đẹp, sống có ích, làm rạng danh Tổ quốc cũng chính là cách thức để báo chí tham gia giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Các nhóm thông tin giáo dục như: giáo dục cốt lõi (hoà bình, tự do, việc làm, gia đình, sức khoẻ, an ninh, công lý, sống có mục đích, niềm tin, tính tự lập…), giáo dục cơ bản (sáng tạo, tình bạn, tình yêu…), giáo dục có ý nghĩa (các giá trị nghệ thuật, cái đẹp…) đều được chuyển tải qua thông điệp báo chí.
Tuy nhiên, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên của báo chí thời gian qua vẫn còn mặt hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng. Hiện tượng thông tin báo chí không đảm bảo tiêu chí về chính trị, tư tưởng, văn hoá tiếp tục diễn ra với các biểu hiện như: không thực hiện định hướng thông tin, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước; thông tin sai sự thật, thiếu chuẩn xác; thông tin thiếu cân bằng, thiếu tính xây dựng, đưa quá nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội, bị cuốn theo, dẫn dắt bởi thông tin trên mạng xã hội, gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, bị báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc; rút tít theo kiểu giật gân câu khách; nội dung, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Nhiều bài viết chú trọng tính chất giải trí, thương mại, chạy theo thị hiếu tầm thường hoặc kích thích giới trẻ a dua theo những trào lưu vô bổ mà sao nhãng, coi nhẹ các giá trị chân chính của cuộc sống (nhất là trên các trang mạng xã hội, Internet)…, dẫn đến một bộ phận không nhỏ thanh niên thiếu lý tưởng sống, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước và địa phương; có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân; sống buông thả, hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Phát huy vai trò của báo chí
Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðể hoàn thành nhiệm vụ trên, báo chí cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Trước hết, thông qua những đề tài của mình, báo chí cần định hướng cho thanh niên những giá trị, chuẩn mực, phương hướng, mục tiêu để thanh niên phấn đấu, rèn luyện; xây dựng nhiều đề tài tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh niên; chú trọng giáo dục thanh niên qua nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm phát huy tính tự rèn luyện, tu dưỡng theo tấm gương của Bác trong mỗi thanh niên.
Thứ hai, trong các đề tài về thanh niên, báo chí phải đặc biệt quan tâm, coi trọng nâng cao tri thức, văn hoá, rèn luyện thói quen, kỹ năng sống cho thanh niên, nhất là kỹ năng điều tiết và kiểm soát bản thân. Làm tốt điều này sẽ giúp thanh niên có đủ tự tin, bản lĩnh và phương pháp phòng tránh, đấu tranh, phản bác trước những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các đối tượng bất mãn, phản động, thù địch trên các trang mạng xã hội, Internet.
Thứ ba, cần phát huy, khai thác và sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại, báo mạng điện tử, truyền hình kỹ thuật số… trong việc tiếp cận và truyền đạt nội dung tuyên truyền, giáo dục, làm cho các nội dung được đăng tải trở nên phong phú, hấp dẫn và sinh động, thu hút thanh niên tham gia và quan tâm nhiều hơn. Ðồng thời tăng cường tương tác, thu hút thanh niên phản hồi, đối thoại và chia sẻ với báo chí những quan điểm về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống hiện nay.
Thứ tư, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền hưởng ứng phong trào “văn hoá đọc” cho đối tượng thanh niên nhằm đưa phong trào đọc sách, báo trở thành thành nét đẹp văn hoá của thanh niên. Tổ chức biên soạn, phát hành, quảng bá, giới thiệu những loại sách, báo mang tính giáo dục cao về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tâm hồn, giá trị sống cho thanh niên.
Với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng, báo chí có tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới sự phát triển trí tuệ, hình thành nhân sinh quan, thế giới quan, bồi đắp tình cảm nhân văn cho thanh niên. Do đó, việc định hướng thông tin sao cho có ý nghĩa giáo dục, nâng cao hiểu biết nhiều mặt cũng như góp phần trau dồi đạo đức, nhân cách và tuyên truyền lối sống lành mạnh cho thanh niên phải trở thành nhiệm vụ cần được coi trọng thường xuyên đối với mọi cơ quan báo chí./.
Phan Bảo Dương