Theo báo cáo của VARs, suốt từ đầu năm 2022 đến hết quý I/2023 thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs đánh giá: “Nghèo nàn, kém hấp dẫn, thiếu hụt” là những từ chính xác để mô tả về thực trạng nguồn cung trong thời gian qua.
Cụ thể, năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018 (năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19). Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn.
Quý I/2023 nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó.
Không chỉ giảm cung, nguồn cầu cũng sụt giảm. Hiếm khi nào thị trường bất động sản có trạng thái thiếu vắng khách hàng. Ông Đính phân tích có một số yếu tố dẫn đến hiện tượng này.
Ví dụ như sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ. Không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn, thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng.
Bên cạnh đó, niềm tin vào thị trường bất động sản của khách hàng ngày càng sụt giảm, Khó khăn trong việc vay vốn và một lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính do tình hình kinh tế chung.
Chủ tịch VARs cho rằng, thị trường bất động sản có dấu hiệu “suy yếu” kể từ đầu năm 2022. Tình trạng này vẫn tiếp tục duy trì đến tận thời điểm hiện tại.
“Thiếu nguồn cung phù hợp cộng với dòng tiền yếu và niềm tin bị sụt giảm, khiến cho lượng giao dịch năm 2022 và quý 1/2023 đều có chiều hướng đi xuống”, ông Đính nói.
Trong đó, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018.
Tương tự, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý 1 năm 2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có đà phục hồi vào nửa cuối quý II/2023, nhờ vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn do Chính phủ đã ban hành. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi vay cũng được kỳ vọng trở thành yếu tố hỗ trợ thị trường.
Tuy nhiên, cho tới nay đã sang tháng 6/2023, thị trường vẫn khá trầm lắng, khối lượng giao dịch vẫn thấp, một phần là không có sản phẩm hợp lý để cung ứng trên thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng: Đã qua thời “lướt sóng” bất động sản.
“Hiện nay, muốn thị trường bất động sản “nóng” lên thì cần phải có đủ nguồn hàng để cung ứng ra thị trường. Nguồn hàng này phải là các sản phẩm mà thị trường cần, đó là căn hộ vừa túi tiền và đất nền dự án”, ông Tuấn nói.
Dù vậy, trong bối cảnh các dự án mới được phê duyệt rất ít, các chủ đầu tư lớn đang “cạn tiền”, rõ ràng rất khó để thị trường hồi phục.
“Kỳ vọng thị trường hồi phục năm nay rất khó, ít nhất là 1 – 2 năm nữa, khi các dự án mới được xây dựng, lúc đó thị trường bất động sản mới có đà”, ông Tuấn chia sẻ.