Quan chức Ấn Độ từng cảnh báo về sai sót trong hệ thống khóa liên động, nhưng các biện pháp khắc phục không được thực thi trước thảm kịch tàu hỏa cuối tuần qua.
Ấn Độ hôm 2/6 chứng kiến vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước, khi ba đoàn tàu đâm nhau ở Balasore, bang Odisha, khiến 288 người chết và hơn 900 người bị thương. Thương vong quá lớn khiến dư luận nước này bàng hoàng, trong khi các chính trị gia bắt đầu đổ lỗi lẫn nhau về nguyên nhân gây ra thảm kịch.
Sau khi điều tra sơ bộ, giới chức Ấn Độ nói nguyên nhân gây tai nạn là sai sót trong “quá trình khóa liên động điện tử”, một yếu tố quan trọng trong hệ thống điều khiển tín hiệu và điều phối hoạt động ở ga tàu bằng máy tính.
Sai sót này khiến quá trình bẻ ghi diễn ra sai kế hoạch, khiến tàu tốc hành Coromandel Express đi từ Kolkata đã di chuyển vào ray phụ thay vì chạy thẳng ở đường ray chính. Con tàu với vận tốc 130 km/h này đã đâm vào tàu hàng đang đỗ ở ray phụ, khiến một số toa đổ sang đường ray cạnh đó và va chạm với tàu tốc hành Howrah Superfast Express đang di chuyển ở hướng ngược lại.
Kết luận này lập tức khiến dư luận chú ý, bởi Cơ quan Đường sắt Tây Nam Ấn Độ từng ghi nhận sự cố có tính chất tương tự hồi tháng 2.
Trong sự cố đó, tàu tốc hành Sampark Kranti nhận tín hiệu sai và được bẻ ghi đi vào đường ray chính khi đến nhà gia Hosadurga ở Karnataka. Rất may mắn là lái tàu Sampark Kranti đã kịp thời nhận ra một tàu hàng đang đậu trên đường ray nên kịp phanh đoàn tàu.
Khi báo cáo về kết quả điều tra, Hari Shankar Verma, tổng giám đốc điều phối Cơ quan Đường sắt Tây Nam, cho hay hệ thống truyền dẫn tín hiệu đã có sai sót nghiêm trọng, khiến tín hiệu từ đoàn tàu đang di chuyển không được thể hiện đúng trong hệ thống điều phối, dẫn đến nguy cơ thực hiện sai chu trình bẻ ghi đường ray để tránh va chạm.
“Lỗ hổng này đi ngược lại bản chất và nguyên tắc cơ bản của hệ thống xử lý khóa liên động điện tử”, ông viết, cảnh báo rằng nếu sai sót này không được kiểm tra và điều chỉnh, “tình trạng tương tự sẽ xảy ra dẫn đến tai nạn nghiêm trọng”.
Sau thảm kịch ngày 2/5, nhiều chính trị gia đối lập Ấn Độ đã chia sẻ lại cảnh báo từ Verma, cáo buộc chính quyền Thủ tướng Narendra Modi không đủ quyết liệt trong cải thiện mức độ an toàn của ngành đường sắt.
“Vì sao Bộ Đường sắt làm ngơ trước lá thư cảnh báo về lỗi hệ thống, trong khi bất cứ va chạm nào giữa tàu khách cao tốc và tàu hàng đều có thể gây thiệt hại lớn về nhân mạng”, Saket Gokhale, người phát ngôn đảng Trinamool, ngày 4/6 tuyên bố.
Mallikarjun Kharge, chủ tịch đảng Quốc Đại (INC), đảng đối lập lớn nhất Ấn Độ, cho rằng chính quyền Thủ tướng Modi “không muốn thừa nhận” ngành đường sắt quốc gia còn tồn đọng nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Kharge cho rằng báo cáo của Verma là “lời cảnh báo quan trọng” nhưng đã không được Bộ Đường sắt Ấn Độ phản hồi thỏa đáng. Ông cũng nhắc lại kết luận của Ủy ban Chuyên trách Quốc hội về Giao thông, Du lịch và Văn hóa, cho rằng Bộ Đường sắt thiếu cầu thị trước nhiều kiến nghị về an toàn đường sắt thời gian qua.
“Người dân đang vô cùng lo ngại về tình trạng an toàn đường sắt xuống cấp. Chính phủ cần nhanh chóng làm sáng tỏ nguyên nhân thật sự trong tai nạn kinh hoàng ở Odisha”, ông Kharge nhấn mạnh. “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này là ưu tiên lắp đặt thiết bị và triển khai tiêu chuẩn an toàn bắt buộc trên toàn bộ mạng lưới đường sắt quốc gia”.
Ấn Độ sở hữu một trong những mạng lưới đường sắt trải rộng và phức tạp nhất thế giới, được xây dựng từ thời còn là thuộc địa Anh. Ngành đường sắt Ấn Độ đang quản lý hơn 64.000 km đường ray, khoảng 14.000 đoàn tàu và 8.000 nhà ga, từ vùng núi thuộc dãy Himalaya ở phía bắc đến khu vực duyên hải phía nam.
Nhiều chuyên gia và chính trị gia Ấn Độ từng cảnh báo mạng lưới đường sắt quốc gia đã xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều thập kỷ thiếu đầu tư tương xứng cho hạ tầng lẫn quản lý. Bất chấp những nỗ lực gần đây trong cải thiện tiêu chuẩn an toàn, quốc gia 1,42 tỷ dân ghi nhận hơn 16.000 ca tử vong trong gần 18.000 vụ tai nạn đường sắt, tính riêng trong năm 2021.
Trong giai đoạn 2017-2021, nước này ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong liên quan đường sắt, bao gồm các trường hợp hành khách ngã khỏi tàu, va chạm tàu hỏa và tàu tông phải người trên tuyến đường sắt cao tốc.
Cũng trong thời kỳ này, Bộ Đường sắt ghi nhận 2.017 vụ va chạm tàu hỏa, trong đó 69% do trật đường ray. Giới chức Ấn Độ cho hay các vụ trật đường ray xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có hư hại đường ray, lỗi bảo trì, thiết bị bẻ ghi trục trặc và sai sót do con người. Bộ Đường sắt thừa nhận tình trạng thiếu nguồn tài chính để bảo trì hạ tầng đã gây ra khoảng 26% số vụ tai nạn.
Trên thực tế, chính quyền Thủ tướng Modi trong 9 năm qua đã đầu tư hàng chục tỷ USD cho ngành đường sắt. Nguồn ngân sách này chủ yếu được dùng để nâng cấp và thay thế các đoạn đường ray cũ được xây dựng từ thế kỷ 19, vận hành tàu hỏa công nghệ mới và thiết kế lại nhiều nút đường bộ giao với đường sắt.
Thảm kịch ở bang Odisha xảy ra một ngày trước lễ khai trương tàu tốc hành Vande Bharat thứ 19 của Ấn Độ, tuyến nối thành phố Mumbai ở phía tây đến bang Goa ở miền nam. Loạt tàu thế hệ mới được kỳ vọng giúp Ấn Độ giảm rủi ro va chạm và trật bánh, nhờ tích hợp với hệ thống chống va chạm tự động, theo Bộ trưởng Đường sắt Ashwini Vaishnaw.
Balasore, khu vực xảy ra tai nạn va chạm giữa ba đoàn tàu khiến hơn 280 người thiệt mạng, vẫn chưa được lắp đặt hệ thống an toàn mới.
“Ấn Độ đã đạt được nhiều thành công trong cải thiện mức độ an toàn cho tàu hỏa những năm qua, song vẫn cần nỗ lực hơn nữa. Toàn bộ hệ thống đường sắt cần được điều chỉnh và quá trình nâng cấp phải được phân bổ đều hơn. Ấn Độ không thể chỉ tập trung sản xuất tàu hiện đại khi đường ray chưa đủ an toàn”, Swapnil Garg, cựu quan chức Cơ quan Kỹ sư Đường sắt Ấn Độ, nhận định.
Thanh Danh (Theo India Express, Hindustan Times, AP)