Những ngày qua, Công an tỉnh Bình Thuận đã mời hàng loạt người từng có đơn tố cáo Nguyễn Văn Thảo (tức Thảo “lụi” hay Bảy Thảo, 57 tuổi) lên làm việc để phục vụ quá trình điều tra.
Diễn biến này diễn ra sau khi Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Thuận khám xét biệt thự của gia đình Thảo “lụi” ven sông Bến Lội, phường Xuân An, TP Phan Thiết vào chiều 3/6. Ba ngày sau, công an đã bắt giữ được Thảo “lụi” đang lẩn trốn tại TP.HCM.
Hiện Bộ Công an đang mở rộng điều tra về các vụ việc liên quan đến băng nhóm của Thảo “lụi” ở các địa phương khác.
Băng nhóm Thảo ‘lụi” lộng hành như thế nào?
Những ngày qua, diễn biến Bộ Công an cùng Công an tỉnh Bình Thuận điều tra, khám xét nhà của Thảo “lụi”, đã làm cho người dân địa phương bất ngờ lẫn vui mừng. Bởi lẽ băng nhóm của Thảo “lụi” đã lộng hành, gây khiếp sợ, kéo dài nhiều năm, đến nay mới bị xử lý.
Nguồn thông tin cho hay, băng nhóm của Thảo ‘lụi” nhiều năm qua là trùm tín dụng đen tại khu vực TP Phan Thiết và vùng xung quanh. Thảo “lụi” còn biết được biết đến là người sở hữu nhà hàng – karaoke nổi tiếng về ăn chơi ở Phan Thiết, có các hoạt động bảo kê các tụ điểm kinh doanh khác.
Nguồn tin tiết lộ, băng nhóm của Thảo “lụi” bị điều tra bởi hoạt động lộng hành chiếm nhà, đất của người dân và dự án của doanh nghiệp, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.
Vụ điển hình, từ năm 2018 Thảo “lụi” đã dẫn theo hàng chục người ngang nhiên chặt phá cây cối, đập phá tài sản và chiếm nhà của bà Nguyễn Thị Thuỳ Trang (52 tuổi) trên phần đất rộng hàng nghìn mét vuông tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết. Việc này xuất phát từ 2 năm trước đó, 1 người thân của Thảo “lụi” đã hỏi mua 6 sào đất của bà Trang và chỉ đặt cọc 1 phần tiền rồi im bặt.
Khi giá đất sốt, nhóm của Thảo “lụi” kéo đông người đến, ngang nhiên chiếm nhà, đất của bà Trang. Ngoài ra, giữa năm 2019 nhóm của Thảo “lụi” với hàng chục người đã kéo đến đập phá tường rào, đánh người và xâm chiếm phần đất của ông Mã Tấn Phương (47 tuổi, ngụ TP.HCM), ở ngay kế phần đất của bà Trang.
Vụ điển hình, băng nhóm Thảo “lụi” đã lợi dụng giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19 để ngang nhiên chiếm, xây dựng công trình kiên cố trên phần đất 2,2ha thuộc dự án khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp King Sea tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết mà UBND tỉnh Bình Thuận trước đó nhiều năm đã có quyết định giao đất cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang (trụ sở tại TP.HCM), làm chủ đầu tư. Cách đối phó của Thảo “lụi” chính là rêu rao đã mua phần đất này bằng giấy tay từ năm 2004 từ một người mà nay đã mất.
Chính quyền đùn đẩy, thiếu trách nhiệm?
Việc khiến người dân búc xúc chính là hành vi hoạt động có tính chất băng nhóm của Thảo “lụi” diễn ra công khai, gây bất ổn trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương chưa kịp xử lý. Dư luận đặt vấn đề là chính quyền đùn đẩy giữa các cấp cho nhau? Thảo “lụi” có mối quan hệ tại địa phương?
Vụ việc của bà Nguyễn Thuỳ Trang, ông Mã Tấn Phương… đã có đơn kêu cứu, tố cáo từ 4 năm trước ở chính quyền TP Phan Thiết lẫn cấp tỉnh nhưng chưa được xử lý. Tương tự các nạn nhân khác như: Nguyễn Hồng Phước (65 tuổi, ngụ TP.Phan Thiết), ông Phạm Văn Đàn (45 tuổi, ngụ huyện Hàm Thuận Nam), ông Võ Ngọc Tuấn (32 tuổi)… khi có đơn tố cáo thì đơn vị này chuyển đơn đến đơn vị khác trong thời gian dài, không được xử lý.
Trong vụ việc nhóm của Thảo “lụi” xâm chiếm dự án King Sea, đây là điển hình của nạn xâm chiếm dự án có tính chất băng nhóm giang hồ, những năm qua nổi lên tại Bình Thuận, khó xử lý và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Gần 2 năm qua, đại diện Công ty Đại Thanh Quang đã có đơn tố cáo khắp nơi. Cũng trong khoảng thời gian đó, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh, các sở ngành liên quan và chính quyền TP Phan Thiết giải quyết đơn của Công ty Đại Thanh Quang. Thậm chí, UBND TP Phan Thiết đã yêu cầu công an “xác lập chuyên án điều tra liên quan đến lấn chiếm đất đai, gây rối an ninh trật tự” xảy ra tại dự án King Sea.
Tuy nhiên, vụ việc kéo dài và gần đây giao cho cấp xã xử lý. UBND xã Tiến Thành mời các bên làm việc. Ông Thảo “lụi” không có chứng cứ pháp lý nào chứng minh việc mua – bán hay sở hữu đối với khu đất đang bao chiếm. Tháng 2/2023, UBND xã phối hợp cùng các đơn vị UBND TP Phan Thiết đo đạc, lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Thảo về hành vi chiếm đất.
Tuy nhiên, các công trình sai phạm trên đất do ông Thảo dựng lên cùng với việc 1 băng nhóm bao chiếm khu đất vẫn tiếp diễn, như thách thức chính quyền.
Để kéo dài vụ việc, ông Thảo đã khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận ra TAND tỉnh đề nghị huỷ 2 quyết định cơ quan này ban hành năm 2005 về việc giao thuê đất cho Công ty Đại Thanh Quang. Tình tiết lưu ý, ông Thảo không có quá trình sử dụng đất, không có các loại giấy tờ, tài liệu được quy định tại Khoản 1, Điều 50 Luật đất đai 2003 và khu đất được chứng minh là “đất sạch” khi UBND tỉnh giao cho Công ty Đại Thanh Quang từ năm 2005 nhưng TAND tỉnh vẫn thụ lý.
Khi khiếu nại, đại diện Công ty Đại Thanh Quang đặt vấn đề, phải chăng việc kéo dài này để Thảo “lụi” gây sức ép, thương lượng với doanh nghiệp?
Băng nhóm của Thảo “lụi” đã lộng hành tại Bình Thuận nhiều năm, đơn kêu cứu, tố cáo của người dân bị chuyển lòng vòng, quá trình xử lý kéo dài không có hồi kết, đã gây mất niềm tin vào một bộ phận chính quyền. Hay như việc phần đất thực hiện dự án King Sea của Công ty Đại Thanh Quang bị nhóm Thảo “lụi” xâm chiếm kéo dài, đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, có nguy cơ bị thu hồi dự án, ai chịu trách nhiệm?
Hiện người dân mong mỏi Bộ Công an cùng Công an tỉnh Bình Thuận xử lý triệt để băng nhóm Thảo “lụi”, nhanh chóng trả tài sản phần đất để người dân ổn định cuộc sống sao bao năm điêu đứng và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án sau thời gian dài kêu cứu khắp nơi, gánh bao thiệt hại.
Việc bao chiếm đất dự án vẫn diễn biến phức tạp tại Bình Thuận Năm 2022, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bình Thuận Dương Văn An từng ký công văn gửi các cơ quan đơn vị, các tổ chức chính trị – xã hội yêu cầu tăng cường quản lý đất đai, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất có tổ chức, có tính chất côn đồ, gây mất an ninh trật tự địa phương, làm ảnh hướng đến môi trường đầu tư của tỉnh và hiệu lực, hiệu qủa quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, đất đai. Tuy nhiên, việc bao chiếm đất tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Thời điểm hiện tại, riêng dự án King Sea, không chỉ nhóm của Thảo “lụi” chiếm 2,2 ha, mà một số người dân, môi giới cũng tranh thủ bao chiếm, gửi đơn khiếu kiện đòi bồi thường. Việc này ảnh hưởng tới việc triển khai dự án đúng tiến độ, tới môi trường đầu tư trên địa bàn cần được tỉnh Bình Thuận sớm xử lý triệt để. |