Chi CẢ chục triệu đồng mua máy phát điện
Bỏ vội mấy chục gói sữa vừa vắt cho con ra khỏi tủ cấp đông, chị V., ở khu chung cư An Bình (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), mặt buồn rười rượi khi kể chung cư của chị thông báo ngày 6.6 sẽ cắt điện từ khoảng 17 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau. “Sữa, thịt, gà, rau… trong tủ lạnh phải bỏ ra hết để chuẩn bị mang đi gửi. 2 đứa con tôi tối cũng phải sang nhà bà ngoại. Tình hình này mà kéo dài thì chắc chịu không nổi”, chị V. chia sẻ.
Những trường hợp như chị V. là điển hình cho tình trạng người dân phải xoay xở giữa nắng nóng gay gắt khi bị cắt điện. Ghi nhận tại Hà Nội và một số tỉnh phía bắc, tình trạng này làm đảo lộn đời sống sinh hoạt, gây thiệt hại về kinh tế, thu nhập của nhiều hộ dân.
Tại Q.Long Biên (Hà Nội), người dân đổ xô đến Trung tâm thương mại AEON Mall Long Biên để tránh nóng. Khu vực có ghế ngồi tại các sảnh, các tầng luôn trong tình trạng chật kín chỗ. Nhiều gia đình còn tận dụng xe đẩy làm chỗ nghỉ trưa cho trẻ nhỏ. Nhà có cháu ngoại về nghỉ hè nhưng thường xuyên bị mất điện, ông Lê Văn Trung (H.Chương Mỹ, Hà Nội) đành “bấm bụng” chi ra 12 triệu đồng mua máy phát điện. “Nắng nóng mà còn mất điện thì người lớn cũng không chịu được, huống chi là trẻ nhỏ. Thương con cháu, tôi cố mua máy phát về để chạy quạt điện”, ông Trung nói.
Còn tại xã Quang Minh (H.Ba Vì, Hà Nội), điện thường xuyên mất đột ngột gây thiệt hại cho nhiều hộ chăn nuôi. “Rạng sáng 2.6, khu vực nhà tôi bị mất điện nên khoảng 2.000 con gà bị chết do nóng và ngạt, thiệt hại gần 100 triệu đồng”, chị Linh, một hộ chăn nuôi ở địa phương, cho biết.
Tỉnh Bắc Giang cũng là một điểm nóng. Những ngày này người dân đổ xô đi mua máy phát điện, quạt tích điện. Giá mỗi chiếc máy phát điện, tùy công suất có giá từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng nhưng nhiều trung tâm điện máy đã “cháy hàng”. Có ngày, một doanh nghiệp bán ra khoảng 300 máy phát điện nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, từ ngày 6.6 trở đi, ban ngày ngành điện tại đây ưu tiên cấp điện cho các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, ban đêm sẽ cấp điện sinh hoạt. Nhưng giải pháp cấp điện này khiến người dân lo lắng, đặc biệt là các hộ kinh doanh. Chị Vũ Thị Giang, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại TP.Bắc Giang, cho rằng nếu bị mất điện cả ngày thì chị phải chạy máy phát điện khoảng 12 tiếng, liên tục trong 20 ngày rất tốn kém về chi phí, chưa kể ngày không có điện, hàng hóa còn không lưu thông được. “Nhà tôi kinh doanh về mảng giấy in mà giấy thì liên quan đến photocopy, in ấn nhiều, điện bây giờ bị cắt dài như vậy thì chúng tôi rất khó hoạt động, hay những hộ kinh doanh đồ đông lạnh thì lấy tiền đâu mà chạy máy phát điện”, chị Giang lo lắng nói.
Tiết kiệm triệt để
Miền Bắc không chỉ có “nguy cơ thiếu điện” mà đã thực sự “thiếu điện”, thực tế này được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vừa qua.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo EVN xác nhận, nguồn cung điện cho các tỉnh miền Bắc đang trong tình trạng rất khó khăn do nắng nóng kéo dài, nhu cầu điện tăng rất cao trong khi nhiều hồ thủy điện cạn nước không đủ vận hành phát điện. Các nhà máy nhiệt điện bị giảm công suất.
Đến ngày 3.6, đa số các hồ thủy điện ở miền Bắc đã về mực nước chết, trong đó có các hồ lớn bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Đặc biệt, 2 nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La cung ứng sản lượng điện rất lớn cho miền Bắc đang phải chạy máy tối thiểu ở dưới mực nước chết, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành. EVN đang cố gắng duy trì vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình để điều khiển hệ thống. Tổng công suất không huy động được của các nhà máy thủy điện ở miền Bắc vào khoảng 5.000 MW. Nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng đang bị suy giảm công suất hoặc bị sự cố do vận hành cao liên tục. Theo EVN, đến ngày 5.6 đã ghi nhận 10 tổ máy nhiệt điện bị suy giảm công suất khoảng 926 MW, 11 tổ máy khác gặp phải các sự cố do vận hành quá tải khiến tổng công suất mất đi, không huy động được lên tới 3.250 MW.
Cũng theo lãnh đạo EVN, tập đoàn đã và đang áp dụng nhiều giải pháp để cung ứng điện cho miền Bắc; tuy nhiên tình trạng thiếu điện sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều, dự báo kéo dài đến cuối tháng 6. Cụ thể, EVN đã vận hành tối đa đường dây 500 kV để truyền tải điện từ miền Nam ra miền Bắc và không thể tăng thêm. Đối với các nhà máy nhiệt điện, nguồn than đã được cung cấp đủ nhu cầu vận hành. Khi các nhà máy nhiệt điện có sự cố, EVN đều có đề nghị chuyển than đến các nhà máy còn lại khả năng tăng công suất để vận hành tối đa công suất phát điện. “Bổ sung nguồn cung điện cho miền Bắc hiện rất khó khăn, không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải tiết kiệm điện triệt để, sử dụng điện hiệu quả tối đa để vượt qua khó khăn hiện nay”, vị lãnh đạo EVN nói.
Thủ tướng yêu cầu thanh tra tình hình cung ứng điện của EVN
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định, hoàn thành trước 10.6. Đồng thời, hoàn thiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 8.6.
Khẩn trương hoàn thiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới. Nghiên cứu, hướng dẫn xử lý dứt điểm theo thẩm quyền đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đáp ứng thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT (đã hết hạn). Khẩn trương hướng dẫn về công tác đàm phán giá điện trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” đối với các dự án điện gió, điện mặt trời thuộc diện nêu trên theo quy định, hoàn thành trong tháng 6.2023…
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1.1.2021 đến 1.6.2023.
Mai Hà – P.Hậu
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN, cho rằng “thật không may” cho miền Bắc thiếu điện bởi nhiều yếu tố khách quan, khó khăn về nguồn cung than, khí cho sản xuất điện; nhiều dự án chậm tiến độ; nắng nóng hạn hán kéo dài khiến thủy điện bị thiếu nước phát điện. “Khi các hồ thủy điện về mực nước chết, có nghĩa là khả năng huy động của toàn bộ hệ thống điện sẽ không còn là hơn 50.000 MW như trước đây. Theo thông tin chúng tôi nhận được, khả năng huy động xuống thấp, chỉ còn khoảng 40.000 MW, thậm chí còn thấp hơn. Trong trường hợp này, khi phụ tải cao lên tới 46.000 – 47.000 MW như vừa qua. Đặc biệt là miền Bắc, phụ tải rất cao nhưng khả năng cung ứng về mặt công suất rất thấp dẫn đến quá tải, gây ra các sự cố điện. Khi các hộ tiêu dùng sử dụng nhiều điện trong giờ cao điểm rất dễ dẫn tới sự cố mất điện trên diện rộng”, ông Sơn lý giải.
Cũng theo ông Hà Đăng Sơn, nếu nhìn trong cơ cấu phân bổ các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp vừa qua có tổng công suất khoảng 4.700 MW, khu vực Bắc Trung bộ chỉ có 65 MW (khoảng 4%), còn lại xấp xỉ 96% thì nằm ở Trung Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ và không thể huy động nguồn điện này để cung ứng cho miền Bắc.
“Giải pháp nhanh nhất để khắc phục tình trạng thiếu điện ở miền Bắc hiện nay và trong những năm tới là cần thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế đầu tư điện mặt trời mái nhà với mục tiêu tự dùng như Quy hoạch điện 8 đã đưa ra. Ngoài ra, các tỉnh miền Bắc đang có thách thức rất lớn là hệ thống truyền tải điện, chưa có liên kết vùng ở khu vực miền Bắc và miền Trung vẫn bị tắc nghẽn, đòi hỏi có giải pháp mạnh mẽ, triệt để như giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai… trong các dự án truyền tải. Điều này phải được xử lý, tháo gỡ dưới góc độ đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Sơn nói.