XEM VIDEO:
Chiều 6/6, trong phiên chất vấn về nhóm vấn đề dân tộc, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ, thời gian qua, chính sách hỗ trợ cho đối tượng nghèo vùng đặc biệt khó khăn rất khả thi, nhiều hộ đã thoát nghèo, có hộ xung phong thoát nghèo, cử tri rất hoan nghênh điều này.
Tuy nhiên, đại biểu nêu tỷ lệ thoát nghèo chưa đạt theo mong muốn. Hiện nay không những đồng bào dân tộc thiểu số mà cả đồng bào người Kinh có tâm lý “không muốn thoát nghèo, không muốn thoát hộ cận nghèo” do nhiều nguyên nhân. Tâm lý “không muốn thoát nghèo” đã diễn ra ở nhiều nơi, tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến triển khai giảm nghèo mà nước ta đang theo đuổi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận có thực trạng nhiều hộ gia đình không phải là đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả là người Kinh ở vùng khó khăn, vùng nghèo không muốn thoát nghèo.
Bộ trưởng cho biết: “Ủy ban Dân tộc không phải là cơ quan đánh giá chính thức nguyên nhân này, nhưng qua nghiên cứu tài liệu của các bộ, ngành, địa phương và thực tế ở địa phương thì chúng tôi thấy rằng hiện tượng này là có thật”.
Bộ trưởng phân tích, mặc dù theo tiêu chí hộ gia đình đã thoát nghèo nhưng trong cuộc sống thực tế địa bàn đó rất khó khăn.
Về thu nhập, theo tiêu chí mới ở vùng nông thôn thu nhập hộ nghèo là 1,5 triệu đồng/người/tháng, hộ cận nghèo là 1,6 triệu đến khoảng hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Những con số này là về tiêu chí thu nhập, còn việc tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Người dân cũng băn khoăn, nếu thoát nghèo sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ. “Ngoài ra còn nhiều vấn đề tâm tư khác cần đánh giá, khảo sát thêm”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết.
Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề này cần có nhiều biện pháp tổng hợp. Các nguyên tắc, tiêu chí về giảm nghèo đã có, vì vậy thống kê, tổng hợp cần có trách nhiệm của địa phương, đánh giá hộ nghèo phải thực sự khách quan.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Làm sao khi đưa một hộ ra khỏi diện nghèo thì đảm bảo được điều kiện tối thiểu để người ta sinh sống ở vùng không phải nghèo nữa, khi đó hộ đó sẽ yên tâm hơn”.
Ngoài ra, cần tuyên truyền, thuyết phục, vận động bà con nhân dân hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước. Bộ trưởng cho biết, thực tế ở địa phương có rất nhiều trường hợp tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, “đây là những tấm gương và những điều chúng ta cần tập trung tuyên truyền thêm”.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, tiêu chí về giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện của đất nước, phụ thuộc từng giai đoạn của đất nước. Vì vậy cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp để người được thoát nghèo yên tâm không bị tái nghèo.
Trăn trở khi vẫn còn 15% đồng bào mù chữ
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) chia sẻ, trong các chuyến đi vùng sâu, vùng xa, ông gặp rất nhiều người đồng bào dân tộc bị tái mù chữ. Vì vậy ông chất vấn: Ủy ban Dân tộc đã có khảo sát nào về tỷ lệ tái mù chữ của đồng bào dân tộc từ thiếu niên đến người trưởng thành? Đề nghị Bộ trưởng nêu phương án nào phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và Bộ GD&ĐT giải quyết vấn đề này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, số người tái mù chữ (người dân tộc thiểu số chưa nói thông, viết thạo tiếng và chữ Việt) chiếm khoảng 15% trong tổng số người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đảng, Nhà nước ta trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đã cố gắng cật lực để giảm tỷ lệ này. Bộ trưởng bày tỏ: “Đây cũng là những điều hết sức trăn trở. Trong 15% này có cả tái mù, có cả những người chưa bao giờ đi học do nhiều yếu tố khách quan”.
Theo Bộ trưởng, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT có giải pháp trong chính sách giáo dục giải quyết dứt điểm vấn đề này. Mới đây trong 6 nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế có nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển giáo dục. Trong tất cả nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động thì đều có nội dung về xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng khẳng định, trong chiến lược phát triển giáo dục sắp tới của Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này.