Với Michelin Guide, Việt Nam đã không còn nằm ở “rìa vũ trụ” ẩm thực tinh hoa thế giới. Và với sự đồng hành của Sun Group, Việt Nam đã chính thức sở hữu cuốn “kinh thánh” của ẩm thực tinh hoa thế giới.
Từ bữa ăn hơn 3 tỉ đồng bên rìa vũ trụ…
Công ty Zephlto tại Pháp mới công bố trải nghiệm du lịch bên rìa vũ trụ sắp trở thành hiện thực vào năm 2024. Theo đó, một khinh khí cầu sẽ đưa du khách ra khỏi rìa trái đất ở độ cao 25km, và lơ lửng tại đó trong vòng 3 giờ, để thượng khách vừa chiêm ngưỡng đường cong của trái đất, vừa thưởng thức ẩm thực Michelin. Đúng vậy, là Michelin!
Có thể thấy, giới nhà giàu ra khỏi rìa trái đất không thể chỉ ngồi nhâm nhi rượu vang với trứng cá muối Beluga, gan ngỗng hay bò Kobe được chế biến theo một công thức xoàng xĩnh. Đó phải là những món ăn được sáng tạo bởi một đầu bếp Michelin, được cung cấp bởi một nhà hàng gắn sao Michelin – nơi hương vị tinh tế và những tiêu chuẩn khắt khe của ẩm thực thượng hạng sẽ hoàn toàn tiệp với không gian không thể sáng tạo hơn – bên rìa vũ trụ.
Nhưng rõ ràng, ẩm thực Michelin và chuyến du hành ra ngoài trái đất cân xứng hoàn hảo về độ xa xỉ, sức sáng tạo và trải nghiệm độc nhất vô nhị. Giới thượng lưu sẵn sàng bỏ số tiền cực “chát” lên tới hơn 3 tỉ đồng để đặt vé cho bữa ăn này, và thậm chí vé đặt trước đã bán hết veo cho đến giữa năm 2025. Rõ ràng, tiền không phải là vấn đề với giới nhà giàu, thứ họ cần là những trải nghiệm không dành cho số đông. Mà nếu chỉ dùng từ đẳng cấp để mô tả thì rõ ràng là chưa đủ.
Michelin là một thuật ngữ tỏa ra mùi hương của sự sáng tạo và những nghi thức nghiêm cẩn dành cho nghệ thuật ẩm thực.
Những cái tên danh giá nhất trên bản đồ ẩm thực toàn cầu như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản… đều không bỏ lỡ một danh sách dài các đầu bếp và nhà hàng gắn sao Michelin. Đến nay, trên toàn thế giới đã có 40 quốc gia có sự hiện diện của Michelin Guide. Và Việt Nam, vẫn sẽ mãi đứng ngoài rìa vũ trụ ẩm thực tinh hoa nếu không thể đưa Michelin Guide về, dù sở hữu một nền ẩm thực khiến thế giới phải ghen tị.
Rất kịp thời và may mắn, Michelin Guide đã thực sự hiện diện tại Việt Nam, nhờ sự đồng hành của một tập đoàn kinh tế tư nhân. Theo ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hội Đầu bếp Việt Nam: ”Sau khi tôi có bài báo về khát khao sao Michelin thì cũng có nhiều bên có ý định mang về, nhưng rõ ràng tốn rất nhiều thời gian mà chưa làm được và Sun Group là đơn vị tiên phong làm điều đó. Tôi rất mong Sun Group sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình để cùng nhau đưa nền ẩm thực lên tầm cao mới. Điều này rõ ràng tốt cho đất nước”.
… Đến người chuyên chở cuốn “kinh thánh ẩm thực” thế giới về Việt Nam
Ngày 6.6, danh sách những nhà hàng gắn sao Michelin đầu tiên tại Việt Nam được công bố tại Hà Nội. Sự hiện diện của “cuốn kinh thánh” Michelin Guide Việt Nam đã thực sự mở ra một tương lai hoàn toàn mới cho ẩm thực Việt.
CNN từng giới thiệu phở, bánh mì, cà phê trong top 50 món ăn đường phố ngon nhất châu Á. Đầu năm 2023, tạp chí du lịch nổi tiếng Travel + Leisure cũng gợi ý Việt Nam là điểm đến ẩm thực hàng đầu khu vực châu Á trong hành trình du lịch năm 2023. Philip Kotler – một huyền thoại ngành marketing, nói: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là bếp ăn của thế giới”…
Tất cả những sự vinh danh đó cho thấy Việt Nam là quốc gia của các mỹ vị đường phố, nhưng khó có thể đưa Việt Nam vào bản đồ của ẩm thực thượng hạng thế giới. Chỉ khi có mặt của Michelin Guide, Việt Nam mới thực sự bước vào “thánh đường” của tinh hoa ẩm thực toàn cầu. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: “Việc các nhà hàng Việt Nam được công bố sao Michelin sẽ là bước tiến lớn, quan trọng trong tiếp cận đến chất lượng phục vụ thế giới. Chính vì vậy, thương hiệu Michelin đến Việt Nam sẽ tạo ra xu hướng mới cho khách du lịch đến Việt Nam”.
Điều thú vị là, “cuốn kinh thánh” Michelin Guide lại được chuyên chở về Việt Nam bởi một tập đoàn kinh tế tư nhân – Tập đoàn Sun Group – như một dự án phi lợi nhuận nhằm mục đích đưa tinh hoa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, và đưa thế giới về Việt Nam.
Không có gì quá ngạc nhiên khi Sun Group trở thành đối tác điểm đến của Michelin Việt Nam, đứng ra hỗ trợ toàn bộ quá trình khảo sát và hành trình trải nghiệm ẩm thực của các giám khảo ẩn danh. Thực tế, Sun Group từng là tập đoàn tiên phong đưa rất nhiều đầu bếp Michelin trứ danh trên thế giới về Việt Nam để phục vụ các thượng khách tại các nhà hàng danh giá như La Maison 1888 (khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort), nhà hàng Pink Pearl (khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay), hay mới đây là nhà hàng Koki (khách sạn Capella Hà Nội).
Nhưng, với việc đưa Michelin Guide về Việt Nam, Sun Group đã làm một điều mà hiếm có tập đoàn kinh tế tư nhân nào cả ở Việt Nam và trên thế giới nghĩ tới, đừng nói tới thực hiện: Đó là vinh danh ẩm thực quốc gia, đưa tinh hoa ẩm thực quốc gia tới khắp thế giới, và nâng tầm vị thế quốc gia trên toàn thế giới.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ: “Trong 40 quốc gia đã có mặt sự hiện diện của Michelin, tôi thấy đa phần là cơ quan nhà nước đứng ra lo việc kết nối và hợp tác với Michelin Guide. Nhưng tại Việt Nam, lần đầu tiên tập đoàn tư nhân là Sun Group đã làm được. Điều này chứng tỏ cái tâm và cái tầm của Sun Group, tỏ rõ lòng yêu nước và khát vọng đưa đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và xứng đáng với bạn bè 5 châu”.
Câu chuyện về một tập đoàn tư nhân trải thảm để cỗ xe Michelin lăn bánh về Việt Nam chỉ là một ngách nhỏ, trong bức tranh tương lai tổng thể của ngành ẩm thực Việt. Nhưng nó cho ta niềm tin về việc Việt Nam tới đây sẽ sớm không còn nằm ngoài “rìa vũ trụ” từ ẩm thực, văn hóa, du lịch cho đến các hình thức thụ hưởng nghệ thuật đỉnh cao của thế giới.