Đi bộ là hình thức vận động tốt cho người bệnh thoát vị đĩa đệm, nhưng nếu vận động quá sức hoặc sai tư thế sẽ làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Cơ bắp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính ổn định và chuyển động của lưng dưới. Tuy nhiên, cơ dễ bị thoái hóa và yếu đi do lối sống ít vận động, gây ra tình trạng lệch cột sống. Điều này làm cho cơn đau thoát vị đĩa đệm càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc này, đi bộ là một lựa chọn thích hợp.
BS.CKI Lê Anh Khánh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết người bệnh thoát vị đĩa đệm cần thường xuyên vận động để kích thích tuần hoàn máu lưu thông thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian tái hấp thu và phục hồi tổn thương. Đi bộ là một hoạt động thể chất tương đối nhẹ nhàng, đáp ứng được những nhu cầu này. Đi bộ tăng cường sức mạnh các cơ bắp hỗ trợ cột sống, giảm áp lực và cải thiện lưu thông máu đến vùng đĩa đệm bị tổn thương, từ đó giảm đau hiệu quả. Một số lợi ích có thể kể đến của đi bộ như:
Tăng lưu lượng máu: Đi bộ làm giãn nở mạch máu, từ đó tăng cường cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các cơ cột sống, duy trì tính ngậm nước của đĩa đệm.
Đào thải độc tố: Cơ bắp tạo ra chất độc sinh lý trong quá trình co giãn. Theo thời gian, những chất độc này có thể tích tụ ở các mô cơ tại lưng dưới và gây cứng khớp, làm trầm trọng hơn chứng thoát vị đĩa đệm. Đi bộ nhẹ nhàng có hiệu quả cải thiện tình trạng này.
Giúp vùng lưng dưới trở nên linh hoạt hơn bằng cách kéo căng cơ, dây chằng ở lưng, mông và chân. Điều này làm giảm áp lực lên cột sống thắt lưng, hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương diễn ra thuận lợi hơn.
Bác sĩ Anh Khánh khuyến cáo, dù đi bộ tốt cho người bệnh thoát vị đĩa đệm nhưng hình thức vận động này cũng kèm theo một số nguy cơ nhất định. Nếu người bệnh đi bộ không đúng cách như đi quá nhanh, đi sai tư thế, đi trên bề mặt không bằng phẳng, giày không vừa chân… sẽ gây căng thẳng cho cột sống, làm cho tình trạng tổn thương đĩa đệm có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý:
Cường độ tập luyện hợp lý: Khi mới bắt đầu, nên đi bộ trong khoảng thời gian ngắn, từ 5 – 10 phút mỗi ngày sau đó tăng dần lên. Người bệnh cần lắng nghe cơ thể, tránh vận động quá mức và nghỉ ngơi ngay khi mệt.
Tư thế đúng: Đi bộ đúng tư thế giúp duy trì độ cong tự nhiên của cột sống. Theo đó, khi di chuyển, người bệnh cần giữ cho phần vai được thư giãn, cân bằng đầu với cột sống, không uốn cong về phía trước hoặc phía sau. Đảm bảo cằm được giữ thẳng, mắt hướng về phía trước để làm giảm căng thẳng cho vùng cổ và lưng. Di chuyển nhẹ nhàng, chậm rãi, hít thở đều.
Nếu người bệnh không chắc chắn liệu mình có nên đi bộ hay không, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có quyết định phù hợp nhất. Người bệnh cũng cần sớm đến gặp bác sĩ nếu cảm thấy đau hoặc xuất hiện những bất thường nào khác sau khi đi bộ. Ngoài ra, người bệnh thoát vị đĩa đệm còn có thể tham gia các môn thể thao khác như yoga, đạp xe đạp, bơi lội, thực hiện các bài tập giãn cơ…
Phi Hồng