Nga bán vàng và nhân dân tệ từ Quỹ tài sản quốc gia để bù đắp thâm hụt ngân sách hay vì một mục tiêu khác?
Ngân hàng Trung ương Nga đã bán 4 tấn vàng và 2,59 tỷ Nhân dân tệ (365 triệu USD) từ các tài khoản của Quỹ Tài sản quốc gia (NWF) để huy động thêm tiền nhằm tài trợ cho thâm hụt ngân sách, theo Bộ Tài chính Nga.
Nga thông báo bán hàng tấn vàng và Nhân dân tệ, chuẩn bị khoản dự phòng hơn 40 triệu USD mỗi ngày để làm gì? (Nguồn: Kitco) |
Hoạt động mua bán diễn ra trong tháng 5 và đã giúp phân bổ 48,97 tỷ Rube (606 triệu USD) để tài trợ cho khoản thâm hụt ngân sách.
“Vào tháng 5/2023… một phần tài chính của Quỹ Tài sản quốc gia tại các tài khoản của Ngân hàng Trung ương Nga có tổng trị giá 2,59 tỷ Nhân dân tệ và 3,86 tấn vàng ở dạng phi cá nhân hóa đã được bán ra với giá 48,967 tỷ Ruble.
Số tiền bán vàng và Nhân dân tệ đã được ghi có vào Tài khoản ngân sách Liên bang nhằm tài trợ cho thâm hụt trước đó”, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết.
Nga đã thông báo về mức thâm hụt ngân sách 3,4 nghìn tỷ Ruble (khoảng 42 tỷ USD) trong 4 tháng đầu năm, với lý do doanh thu năng lượng giảm đáng kể hơn.
Theo phân tích của Bộ Tài chính Nga, doanh thu từ dầu khí thấp trong tháng 5 là nguyên nhân dẫn đến thâm hụt, vốn đã giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5, doanh thu từ dầu khí thấp hơn 30,6 tỷ Ruble (379 triệu USD) so với kỳ vọng. Vào tháng 6, Bộ này dự kiến sẽ thiếu hụt thêm 44 tỷ Ruble (545 triệu USD) từ doanh thu năng lượng Liên bang.
Theo dữ liệu mới nhất, các tài khoản của Quỹ Tài sản quốc gia thuộc Ngân hàng Trung ương Nga hiện nắm giữ 9,054 tỷ Euro, 285,7 tỷ Nhân dân tệ (40,2 tỷ USD), 517,1 tấn vàng và 228 triệu Ruble (2,82 triệu USD).
Quỹ Tài sản quốc gia vốn là nơi nắm giữ nguồn thu từ dầu mỏ của Nga và được thành lập để giúp hỗ trợ hệ thống lương hưu. NWF cam kết hỗ trợ hệ thống lương hưu của Liên bang Nga để đảm bảo hệ thống hoạt động tốt trong thời gian dài”, thông tin từ Bộ Tài chính Nga cho biết.
Nhiệm vụ chính của Quỹ là “đồng tài trợ cho các khoản tiết kiệm lương hưu tự nguyện của công dân Nga và cân đối ngân sách của Quỹ Hưu trí Liên bang”.
Tài sản của quỹ được nắm giữ bằng đồng Euro, Bảng Anh và Yên Nhật đã bị đóng băng sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây được đưa ra đối với Nga, từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Trở lại hồi tháng 1/2023, Nga cũng đã bán 3,6 tấn vàng và 2,3 tỷ Nhân dân tệ của Trung Quốc từ Quỹ Tài sản quốc gia để trang trải thâm hụt ngân sách, do thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt giảm, đánh dấu động thái đầu tiên của Ngân hàng trung ương Nga.
Hai năm trước, Quỹ Tài sản quốc gia Nga đã loại bỏ tất cả các tài sản bằng USD, tăng cường nắm giữ vàng, Euro và Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Đến đầu năm nay, Bộ Tài chính Nga cho biết, họ đã tăng gấp đôi giới hạn nắm giữ vàng và Nhân dân tệ Trung Quốc trong Quỹ Tài sản quốc gia. Giới hạn nắm giữ tối đa mới được đặt ở mức 40% đối với vàng và 60% đối với Nhân dân tệ. Trước đây, các giới hạn lần lượt là 20% và 30%.
Trong một tin tức khác, ngày 5/6, Bộ Tài chính Nga cũng cho biết, họ sẽ tăng doanh số bán ngoại tệ hàng ngày lên mức tương đương 3,6 tỷ Ruble (44,3 triệu USD) mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7/6 đến ngày 6/7. Động thái này có nghĩa là Moscow đã tính toán tạo khoản dự phòng bù đắp bổ sung cho doanh thu nhiên liệu giảm.
Vào lúc 13 giờ 36 phút (giờ Việt Nam), đồng Ruble đứng mức 80,99 ruble đổi 1 USD và giảm 0,2% xuống 86,95 Ruble đổi 1 Euro, nhưng ổn định ở mức 11,37 Ruble đổi 1 Nhân dân tệ.
Giá dầu thô Brent vọt lên mức cao nhất trong hơn một tháng trong phiên trước, là nhân tố đã hỗ trợ đồng Ruble. Tuy nhiên, ở phiên giao dịch ngày 6/6, giá dầu Brent đã giảm 0,9% xuống 76,06 USD/thùng.
Đồng Rouble cũng được hỗ trợ từ doanh số bán ngoại hối của các công ty Nga, vốn đang gom tiền mặt để trả cổ tức. Thị trường cũng đang chờ đợi quyết sách về lãi suất của Nga trong ngày 9/6, khi Ngân hàng Trung ương Nga được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 7,5%.
Ngày 6/6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, GDP của nền kinh tế Nga ước tăng 1% trong năm 2023. Cùng với đó, thu nhập thực tế của người dân cũng dự kiến tăng. GDP của Nga tăng trưởng nhờ cân đối ngân sách tốt, tích lũy dự trữ trong Quỹ Đầu tư quốc gia, các chiến lược công nghiệp chủ động và các biện pháp hỗ trợ người dân.