BTO- Chiều 5/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, thảo luận tại tổ 14 về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này và cho rằng cần có những quy định cụ thể, chương riêng đối với vấn đề bảo vệ, phát triển, tích trữ và phục hồi tài nguyên nước một cách bền vững.
Tham gia góp ý, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông bày tỏ quan tâm đến điều 1 về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, tại khoản 2 quy định: Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Đại biểu cho rằng, theo khoản 2, vấn đề nước dưới đất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước, tuy nhiên tại điều 30 lại có quy định về bảo vệ nước dưới đất. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu lại khoản 2, điều 1, giải thích, làm rõ thêm nội dung này.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu có cách tiếp cận khác đối với tài nguyên nước tại các vùng đảo. Theo đại biểu, vấn đề cốt lõi nhất tại vùng đảo là đất và nước, nếu không có đất và nước thì không có đảo. Do đó đại biểu đề nghị cần ban hành, quy định chương riêng đối với vấn đề bảo vệ, phát triển, tích trữ và phục hồi tài nguyên nước một cách bền vững.
Thảo luận về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH Đặng Hồng Sỹ cho rằng, luật quy định các chức danh không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Đại biểu lý giải, tổ chức quỹ tín dụng nhân dân trên cơ sở thành viên góp vốn và tiến hành bầu các chức danh. Người am hiểu đủ điều kiện đảm nhiệm các chức danh ở các quỹ tín dụng không nhiều, nếu quy định không quá 2 nhiệm kỳ sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng.
Tại điều 126 về hạn chế cấp tín dụng, khoản 2 có quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c,d,đ khoản 1 điều này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ, qua tiếp xúc cử tri các tổ chức tín dụng phản ánh quy định không vượt quá 5% là quá ít. Do vậy, theo đại biểu nên có quy định riêng đối với các tổ chức quỹ tín dụng nhân dân, tỷ lệ 15% sẽ phù hợp hơn.
Còn ĐBQH Bố Thị Xuân Linh cho rằng, tại điều 10 dự án luật chưa xây dựng cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng. Do vậy đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định, cơ chế bảo vệ khách hàng rõ ràng, cụ thể; trong đó cần quy định một số chương riêng về bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề xuất một số quy định cụ thể như: Ngân hàng phải chịu mọi trách nhiệm phát sinh từ hành vi của nhân viên đại diện cho ngân hàng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ và chức năng về hoạt động của ngân hàng. Hợp đồng tín dụng, hợp đồng dịch vụ tài chính phải được chuẩn hóa theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng hoặc theo hướng dẫn của ngân hàng nhà nước. Bên cạnh đó, cần quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc ứng xử trong các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên nguyên tắc về đạo đức, công bằng, trung thực…