Để GDMN phát triển và đạt được hiệu quả cao thì đòi hỏi sự phát triển phải đồng bộ. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển GDMN tại địa phương. Tuy nhiên, để phát triển đồng bộ, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư thì vấn đề đào tạo đội ngũ nhân viên quản lý, giáo viên bậc học mầm non rất cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Giờ học tập của trẻ ở Trường Mầm non Ánh Nguyệt, Phường 6, TP Cà Mau.
Ở Cà Mau, tổng số trường mầm non hiện có là 133, trong đó có 119 trường công lập và 14 trường tư thục; có 106 trường đạt chuẩn quốc gia. Tổng số nhóm lớp là 1.166, trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp đạt 99,60%. Tổng số quản lý, giáo viên 2.294 người. Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn 96%.
Nhìn chung, các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm, khen thưởng và các quyền lợi khác cho giáo viên được quan tâm, từng bước cải thiện. Hàng năm giáo viên được tạo điều kiện tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn do ngành giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) tổ chức.
Tuy nhiên, tính theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT, giữa Bộ GD&ÐT và Bộ Nội vụ (Thông tư 06), đến tháng 12/2022 tỉnh còn thiếu 127 giáo viên và số giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 là 81/1.991, cần phải đào tạo nâng chuẩn từ trung cấp lên cao đẳng đối với giáo viên mầm non (GVMN).
Hiện nay, tỷ lệ giáo viên/lớp chỉ đạt 1.7 giáo viên/lớp. Do thiếu giáo viên nên tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp còn thấp so với bình quân chung của khu vực và bình quân chung cả nước. Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GÐ &ÐT, cho biết: “Việc thiếu GVMN đã gây ra một áp lực rất lớn cho giáo viên, nhất là đối với các lớp bán trú, khối lượng công việc tăng lên gấp 2 lần so với các lớp có đủ 2 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của giáo viên; ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho trẻ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Do chỉ có 1 giáo viên/lớp nên phụ huynh chưa yên tâm gửi trẻ đến trường, điều này đã làm cho tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp còn thấp. Do đó, việc tìm ra các giải pháp để thu hút GVMN, phát triển đội ngũ GVMN có trình độ chuyên môn ngày càng vững vàng, có tay nghề cao, đảm bảo sự đổi mới giáo dục để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội là việc làm rất cần thiết, mang tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay”.
Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non là công việc khá vất vả. (Ảnh minh hoạ, chụp tại Trường Mầm non Búp Sen Hồng, Phường 8, TP Cà Mau). |
Huyện Cái Nước là địa phương có tỷ lệ thiếu GVMN cao nhất hiện nay của tỉnh. Năm học 2014-2015 toàn huyện có 11 trường mầm non, mẫu giáo, 76 điểm trường lẻ, 169 lớp, 3.128 trẻ, tỷ lệ bình quân 18,5 trẻ/lớp; tổng số quản lý, giáo viên, nhân viên 225 người. Năm học 2020-2021, huyện tổ chức thi tuyển viên chức cho các bậc học, theo đó thêm được 20 GVMN, song vẫn còn thiếu hơn 40 GVMN mới đảm bảo theo quy định, phải bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày. Việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ tại các cơ sở GDMN.
Ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Cái Nước, kiến nghị: “Ðể nâng cao tỷ lệ GVMN/lớp đảm bảo theo quy định trong thời gian tới, ngành giáo dục cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục thực hiện đề án sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng xoá lớp học nhờ; thực hiện tốt việc rà soát, dự báo quy mô phát triển bậc học mầm non trong từng giai đoạn nhằm xác định nhu cầu về giáo viên. Ðồng thời, đổi mới công tác quản trị cơ sở giáo dục, chú trọng xây dựng môi trường làm việc hiện đại, an toàn, lành mạnh, thân thiện; sắp xếp thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi cho GVMN phù hợp, đúng quy định. Có chính sách thu hút GVMN về công tác tại các huyện, tránh tình trạng hợp đồng GVMN trong khi vẫn còn nhiều chỉ tiêu, vị trí tuyển dụng ở các trường”.
Từ thực trạng nêu trên, ngành giáo dục Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp, định hướng về công tác bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới. Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ÐT, chia sẻ: “Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 19/1/2021 về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn và bồi dưỡng nhân viên quản lý, GVMN và phổ thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025, ngành đổi mới công tác truyền thông, công tác quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và nhân viên quản lý cơ sở GDMN; bố trí, sắp xếp giáo viên các cơ sở GDMN hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho giáo viên vừa làm, vừa học; phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên tại địa phương; đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên và nhân viên quản lý cơ sở GDMN; đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và nhân viên quản lý. Thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên tham gia đào tạo trình độ chuẩn, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ giáo viên; thực hiện đánh giá GVMN theo chuẩn nghề nghiệp GVMN. Ngoài ra, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo, sơ kết, đánh giá tình hình chất lượng của việc đào tạo hàng năm”.
Công việc của GVMN là một công việc đặc biệt, là quá trình dùng nhân cách để giáo dục nhân cách. Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non giống như việc xây dựng nền móng cho một ngôi nhà. Nếu trẻ mầm non hình thành được nền móng vững chắc về tâm lý, nhân cách ngay từ những năm đầu của cuộc đời sẽ là điều kiện tốt cho sự phát triển toàn diện sau này. Làm được điều này, không thể thiếu công sức, trí tuệ, nhân cách của mỗi người GVMN./.
Quỳnh Anh