Trải qua nhiều thăng trầm nhưng khóm Cầu Đúc vẫn giữ nguyên vị ngọt, mang về thu nhập ổn định cho nông dân thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Đây cũng là một trong những loại nông sản chủ lực mà tỉnh tập trung phát triển.
Khóm Cầu Đúc đã giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Đổi đời từ khóm
Về xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, là về với nơi được bà con gọi là xứ khóm. Bà con không nhớ rõ cây khóm đã bén rễ vùng đất nhiễm phèn, mặn này từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ khi sinh ra, nhiều người đã quen với sắc xanh trải dài của ruộng khóm.
Lớn lên ở vùng đất này, ông Vu Sủi có thâm niên hơn 40 năm vui buồn cùng thăng trầm của khóm. Từ chỗ trồng lo kinh tế gia đình, nay khóm đã mang về trái ngọt, giúp gia đình ông có thu nhập ổn định, có của ăn, của để. Không còn là hộ canh tác nhỏ lẻ mà người nông dân này đã đứng ra thành lập HTX nông nghiệp Thạnh Thắng, quy tụ hơn 100 bà con nông dân cùng tham gia sản xuất trên quy mô diện tích gần 180ha.
Theo ông Sủi, nếu như trước kia, người trồng khóm lo ngại chuyện đầu ra, giá cả thì từ khi HTX ra đời, việc sản xuất đi vào hướng chuyên nghiệp, doanh nghiệp đã đến làm ăn và bao tiêu. Vậy là, thay vì bán quanh quẩn chợ quê, chợ tỉnh mà sản phẩm khóm Cầu Đúc của HTX đã được chứng nhận VietGAP và đang thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP vươn đến những vùng đất xa hơn từ ăn tươi đến chế biến. Về xứ khóm, những căn nhà tường đã mọc dần lên bên những ruộng khóm, đời sống vật chất, tinh thần bà con được nâng lên, đủ để thấy những mùa khóm nơi đây đã “ngọt” như thế nào.
Thành công của bà con xứ khóm, ngoài sự nỗ lực của chính họ thì còn sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. HTX của ông Vu Sủi đã mạnh dạn đưa vào áp dụng phương pháp tưới thông minh, kết hợp với hệ thống đê bao được đầu tư hoàn thiện nên vùng có nước ngọt phục vụ sản xuất quanh năm.
Ông Vu Sủi cho biết: “Vùng đất này là vùng đất phèn, có những người chuyển đổi rồi, nhưng người ta cũng quay lại cây khóm. Khóm mang lại kinh tế rất cao. Cây khóm sống với mình lúc mới sinh ra, giúp cho mình xóa đói giảm nghèo, giúp cho gia đình làm ăn khấm khá lên”.
Tương tự tại HTX nông nghiệp, thương mại dịch vụ Thạnh Tiến, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cũng đang phát triển mạnh cây khóm. Ông Trần Văn Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, hiện HTX có 38 thành viên với hơn 75ha khóm. Có 6 thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm qua giá khóm ổn định từ 10.000-11.000 đồng/trái loại nhất, đã mang về doanh thu cho HTX hơn 1 tỉ đồng. Khóm trái sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… hợp đồng bao tiêu toàn bộ.
“Nhờ cây khóm, bà con ở đây bây giờ thoát nghèo hết. Khóm hiện nay giá thấp nhất cũng từ 8.000-12.000 đồng/trái. Một công tầm lớn (1.300m2), thu hoạch từ 2 thiêng rưỡi đến 3 thiêng khóm. Cây khóm đưa vô các nhà máy để ép nước hoặc đóng hộp xuất ra nước ngoài. Nếu 1ha khóm, sau khi trừ chi phí, nông dân còn thu nhập hơn 100 triệu đồng”, ông Trần Văn Bá chia sẻ.
Triển vọng vươn xa
Thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích khóm của tỉnh hiện khoảng 3.000ha, trong đó riêng thành phố Vị Thanh đang có khoảng 2.800ha. Cây khóm là một trong những cây trồng chủ lực, đặc trưng của tỉnh, theo chương trình phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025 diện tích trồng khóm 3.500ha, sản lượng 45.000 tấn/năm.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Ngành đang xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao chất lượng khóm Cầu Đúc, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương, hướng đến sản xuất hữu cơ và các chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương khoảng 140ha. Nghiên cứu, phát triển các dịch vụ, sản phẩm độc đáo từ khóm phục vụ du lịch và khách tham quan…
Bên cạnh ăn tươi, cung cấp cho nhà máy để làm nguyên liệu sản xuất thì khóm Cầu Đúc còn được người dân tận dụng chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, có thể kể đến như: mứt khóm, kẹo khóm, nước màu khóm… Đặc biệt, củ hủ khóm, một loại đặc sản được du khách gần xa vô cùng yêu thích do dễ dàng kết hợp các nguyên liệu tạo nên món ngon đậm vị quê nhà như: dưa củ hủ khóm, bánh xèo nhân củ hủ khóm,… Tất cả góp phần tạo nên giá trị tăng thêm cho loại cây quê nhà của Hậu Giang.
Trên đường phát triển và đưa khóm quê nhà vươn xa, dự kiến, vào tháng tháng 7 tới, lễ hội khóm Cầu Đúc Hậu Giang lần I, năm 2023 với chủ đề “Khóm Cầu Đúc – Hành trình mới, vươn tầm xa” sẽ được diễn ra, qua đó nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng khóm. Đồng thời giới thiệu thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang đến bạn bè gần xa. Khẳng định tiềm năng phát triển của khóm Cầu Đúc Hậu Giang gắn với thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp theo chiều sâu và bền vững.
Bài, ảnh: MỘNG TOÀN