Tỉnh lộ 994, cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng được địa phương khởi công vào các ngày 17-18/6.
Theo kế hoạch vừa được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành, dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 994 (đường ven biển Vũng Tàu nối Bình Thuận) sẽ khởi công ngày 17/6. Tuyến đường dài 77 km, chia thành 7 đoạn thành phần, với tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng và được phân kỳ theo khả năng cân đối vốn của tỉnh.
Tỉnh lộ 994 là đường đồng bằng cấp 3, hiện hữu hai là xe cơ giới, bắt đầu từ thị xã Phú Mỹ đến quốc lộ 55 giao với tỉnh Bình Thuận. Một số đoạn ngắn trên tuyến đã được đầu tư với thiết kế đường 4-6 làn xe. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ phục vụ phát triển du lịch phía Đông của tỉnh và kết nối cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh.
Trong ngày 18/6, tỉnh cũng khởi công hai công trình trọng điểm khác là dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) và dự án cầu Phước An.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 19,5 km, vốn đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng. Trong đó, đoạn đi qua thị xã Phú Mỹ dài 15,5 km, điểm cuối qua TP Bà Rịa dài 4 km. Chi phí giải phóng mắt bằng hơn 1.300 tỷ đồng, địa phương chi 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để cùng tham gia. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025.
Toàn tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Công trình được chia làm ba dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 và 2 dài 34,2 km, thực hiện tại Đồng Nai, với tổng kinh phí hơn 12.600 tỷ đồng.
Dự án cầu Phước An dài hơn 4,3 km, trong đó cầu bắc qua sông Thị Vải dài 3,5 km, với 6 làn xe và các đường dẫn, kết nối xuống cảng Phước An. Kinh phí xây dựng gần 4.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2.879 tỷ đồng và Trung ương hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành sau 5 năm thi công.
Theo Nghị quyết quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp chuyên đề, chiều 31/5, địa phương này đặt mục tiêu thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 với các trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, cảng biển và logicstics, du lịch và đô thị, dịch vụ.
Trường Hà