Phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp dành cho các sinh viên của Đại học Luật và Kinh tế Hoàng gia ở Phnom Penh hôm 5.6, Thủ tướng Hun Sen nói rằng Campuchia đang trên đà thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển nhất (LDC) vào năm 2027 và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, theo tờ Khmer Times hôm nay 6.6.
Cũng theo Thủ tướng Hun Sen, bất chấp sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, các vấn đề địa lý, đại dịch Covid-19 và khủng hoảng biến đổi khí hậu, Campuchia có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.
“Như mục tiêu phát triển bền vững đã được đặt ra, sự tăng trưởng kinh tế mà chúng ta có được ngày hôm nay mang đến cho chúng ta cơ hội đạt được các mục tiêu của mình”, ông Hun Sen nhấn mạnh.
Chính phủ Campuchia đã đặt mục tiêu biến Campuchia thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức sửa đổi tình trạng của nền kinh tế Campuchia vào năm 2016, nâng nền kinh tế này lên một bậc từ nhóm thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình thấp, một sự phân loại lại mà các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ dẫn đến việc cắt giảm quy mô viện trợ nước ngoài và tiếp cận thương mại ưu đãi trong những năm tới, theo Khmer Times.
Theo tiêu chí của WB, các nền kinh tế thu nhập thấp được định nghĩa là những nền kinh tế có tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người dưới 1.025 USD, các quốc gia có thu nhập trung bình thấp có GNI bình quân đầu người từ 1.026 đến 4.035 USD và các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao có GNI bình quân đầu người trong khoảng 4.037 đến 12.745 USD. Các quốc gia có thu nhập cao được định nghĩa là những quốc gia có GNI bình quân đầu người trên mức đó.
Nền kinh tế Campuchia được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,5% vào năm 2023 và 6% vào năm 2024, nhờ du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn và tăng trưởng nhanh hơn trong lĩnh vực dịch vụ, theo Khmer Times dẫn một báo cáo do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố vào tháng 4.