Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, song dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh vẫn tăng mạnh. Điều này khẳng định sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đã phát huy hiệu quả và Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Công ty TNHH Youngbag Micromotor Việt Nam (KCN Bình Xuyên) chuyên sản xuất Motor cho điện thoại di động và là doanh nghiệp cấp 1 của Tập đoàn Sam Sung.
Từ đầu năm đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 9 dự án FDI mới, 16 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm gần 262 triệu USD, đạt 132% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 75% kế hoạch năm; thu hút 5 dự án DDI, 2 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm hơn 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 54% kế hoạch cả năm 2023. Đây là những con số khẳng định môi trường thu hút đầu tư cởi mở, biết tháo gỡ khó khăn và chính quyền luôn luôn đồng hành cùng với DN của tỉnh.
Ông Matthew Justin Kantrud, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polaris Việt Nam – DN mới động thổ Nhà máy Polaris Việt Nam tại KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) trong tháng 5/2023 cho biết:
“Tôi đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là quyết tâm và những chính sách hỗ trợ của địa phương trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất cho DN được mở rộng đầu tư theo đúng kế hoạch, qua đó, tạo động lực cho các nhà đầu tư khác học tập kinh nghiệm để tiếp tục đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Polaris là một trong những Tập đoàn đang dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất phương tiện di chuyển với hơn 30 thương hiệu nổi tiếng. Sau 5 năm xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, Tập đoàn Polaris tiếp tục lựa chọn đầu tư xây dựng Nhà máy Polaris Việt Nam tại Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư 40 triệu đô la Mỹ với 2 dây chuyền lắp ráp động cơ và xe máy.
Dự kiến nhà máy hoàn thành vào tháng 1/2024 với công suất 30.000 sản phẩm/năm và được xuất khẩu sang các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.
Để đẩy mạnh thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư, Ban Quản lý các KCN đã chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư vào các KCN trên địa bàn; tiếp, làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Sunny Group Co.Ltd đến nghiên cứu mở rộng Nhà máy Sunny Automotive Vina tại KCN Bình Xuyên II; đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Cuba nhằm thực hiện nội dung Biên bản kỳ họp lần thứ 40 của Ủy ban liên chính phủ Việt Nam và Cuba về hợp tác kinh tế và kỹ thuật (kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế và KCN ở Việt Nam).
Riêng trong tháng 5/2023, Ban Quản lý KCN tỉnh đã hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN như: Hướng dẫn Công ty TNHH phát triển Nam Bình Xuyên Green Park thực hiện điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng (QHCTXD) tỷ lệ 1/500 KCN Nam Bình Xuyên; xin ý kiến sở Xây dựng hướng dẫn triển khai dự án trong KCN đã có QHCTXD tỷ lệ 1/500 và làm rõ một số nội dung tại đồ án quy hoạch KCN Bá Thiện II và Bình Xuyên II; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh xác định diện tích xây dựng của Công ty TNHH DST VINA 2 để phục vụ xem xét cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Cùng với đó, Ban Quản lý các KCN đã tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy hoạch KCN Tam Dương I – khu vực 3 phát triển thành KCN công nghệ cao của tỉnh; trình UBND tỉnh Báo cáo đề xuất hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, bố trí nguồn vốn để thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án KCN Chấn Hưng (Vĩnh Tường); bổ sung một số nội dung Đề án điều chỉnh vị trí quy hoạch phát triển KCN Lập Thạch I và Lập Thạch II; điều chỉnh cục bộ QHCTXD tỷ lệ 1/500 đối với các KCN: Sơn Lôi, Nam Bình Xuyên và tỉ lệ 1/2000 đối với KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (lần 4).
Đôn đốc các đơn vị hạ tầng đẩy nhanh tiến độ BT-GPMB; triển khai, thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I- khu vực 2, Sơn Lôi, Nam Bình Xuyên; đề nghị UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ BT- GPMB tại các KCN…
Đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, tỉnh đang tập trung toàn lực BT- GPMB. Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc phát triển dự án của Công ty VinaCPK – chủ đầu tư hạ tầng KCN Bá Thiện II cho biết, hiện đã có 67 nhà đầu tư, trong đó có 62 nhà đầu tư FDI đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đến thuê đất tại KCN Bá Thiện II.
Vừa qua, Tập đoàn Polaris (Hoa Kỳ) đã ký hợp đồng thuê lại 12ha. Công ty đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để GPMB diện tích còn lại của KCN nhằm mục tiêu thu hút những nhà đầu tư lớn tầm cỡ thế giới.
Nhằm tạo quỹ đất sạch để đẩy mạnh thu hút các đầu tư vào các KCN, Ban Quản lý tiếp tục đôn đốc Công ty cổ phần phát triển và kinh doanh nhà đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Bá Thiện (phân khu I); phối hợp với các Nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ BT- GPMB và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN Sơn Lôi, Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1), Nam Bình Xuyên.
Cùng với đó, hướng dẫn thủ tục về đầu tư, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào các KCN; mở rộng kênh tuyên truyền trên các báo, đài của Trung ương và địa phương, các nền tảng xã hội…về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
Bài, ảnh: Mai Liên