Ngày 5/6, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi bày tỏ hy vọng, Sáng kiến châu Phi với mục tiêu làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ góp phần giải quyết cuộc xung đột này.
Châu Phi muốn làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga-Ukraine, góp phần kết thúc khủng hoảng kéo dài đã hơn 1 năm ở châu Âu. (Nguồn: Haaretz) |
Các nhà lãnh đạo của 6 quốc gia gồm Ai Cập, Comoros, Nam Phi, Senegal, Uganda và Zambia, đã tham dự hội nghị trực tuyến ngày 5/6 để thảo luận chi tiết và thúc đẩy Sáng kiến châu Phi.
Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và ưu tiên đối thoại, đồng thời kêu gọi huy động các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột để đạt được hòa bình và an ninh toàn cầu.
Theo ông El-Sisi, Ai Cập sẽ nỗ lực hết sức để góp phần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như vậy và khắc phục các hậu quả về chính trị, kinh tế và xã hội.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng, việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine là vì lợi ích của châu Phi, do những hậu quả nghiêm trọng của nó đối với các nước lục địa này và phần còn lại của thế giới, đặc biệt là về an ninh lương thực, năng lượng và tài chính quốc tế.
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, Sáng kiến châu Phi nên có các cơ chế để thu hút cả Nga và Ukraine.
Cuộc họp trên diễn ra gần 2 tuần sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố, một nhóm lãnh đạo châu Phi sẽ đi thăm Nga và Ukraine “càng sớm càng tốt” để thảo luận về một kế hoạch hòa bình tiềm năng cho cuộc xung đột.
Kể từ khi nổ ra hồi tháng 2/2022, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến các quốc gia châu Phi, vốn đang phải hứng chịu hậu quả do giá ngũ cốc leo thang và sự gián đoạn thương mại toàn cầu.